Mới đây, ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã ký, ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát về công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự.
Cấm cán bộ thi hành án dân sự tiếp đương sự ở nhà riêng
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, thời gian qua, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ có chuyển biến tích cực, chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, qua công tác quản lý và tổng hợp các kết luận thanh tra, kiểm tra cho thấy: có lúc, có nơi người đứng đầu cơ quan THADS chưa thật sự nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ lãnh đạo, chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký… chưa thường xuyên, có nơi thiếu sâu sát dẫn đến sai phạm.
Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự |
Một số địa phương chậm thực hiện quy hoạch, không chủ động đào tạo nguồn cán bộ, việc xử lý cán bộ vi phạm còn chưa nghiêm và còn nể nang. Những hạn chế, yếu kém đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống thi hành án.
Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm hoặc có dư luận sách nhiễu, "vòi vĩnh" nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy đối với công chức thi hành án dân sự có biểu hiện suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật, không chờ hết nhiệm kỳ; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí phải chuyển đổi theo đúng quy định.
Các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống gồm: Nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định có lợi riêng cho bản thân, gia đình hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Can thiệp, tác động hoặc để người nhà, người thân, người quen lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi…
Tất cả công chức thi hành án khi tiếp, làm việc với tổ chức, cá nhân liên quan phải mặc trang phục ngành, đeo thẻ công chức. Việc tiếp đương sự phải thực hiện theo quy định về tiếp công dân; chỉ tiếp tại phòng tiếp công dân, phòng khách, các địa điểm do pháp luật quy định. Nghiêm cấm cán bộ thi hành án dân sự tiếp đương sự tại nhà riêng, phòng làm việc, những nơi khác không đúng quy định.
Kiểm soát thế nào?
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá giáo dục) cho biết, nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, ông đã đề cập đến việc này.
“Không chỉ cán bộ thi hành án dân sự mà tất cả các ngành, các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo ở Trung ương cũng như địa phương. Dịp lễ, Tết, kỷ niệm…xe lớn, xe bé nườm nượp đến nhà riêng của các cán bộ lãnh đạo. Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội cũng có Nghị quyết, Đảng cũng có Chỉ thị nhưng tình trạng này vẫn không thể chấm dứt được”, ông Tiến cho biết.
Theo ông Lê Như Tiến, biếu quà cũng là nét văn hóa của người Việt Nam nhưng không thể biếu quà hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn đô, hàng tỷ đồng. Đó là hối lộ trá hình chứ không phải là quà nữa.
“Tôi thấy năm nào vào dịp lễ, Tết cũng có chỉ thị ở trên, các ngành cũng đều ra văn bản chấn chỉnh nhưng không đi kèm với giải pháp kiểm soát cán bộ thế nào. Lẽ ra những cán bộ ngành ở nơi cư trú, nơi công tác cần phải huy động lực lượng, hoặc người dân giám sát. Tình trạng này nhiều khi công khai, xe biển xanh đỏ vào nhà lãnh đạo ngành, đó là chuyện không bình thường”, ông Tiến cho biết.
Ông Lê Như Tiến. |
Ông Lê Như Tiến cho rằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa có chỉ đạo như trên, nhưng nếu không có giải pháp đi kèm, những chỉ đạo đó cũng chỉ nằm trên giấy.
“Chúng ta vẫn nói, chủ trương một thì giải pháp phải mười. Cần phải có giải pháp đi kèm thì tất cả những chỉ đạo mới thành hiện thực được”, ông Lê Như Tiến nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Nguồn: VTV1