Gần 40 năm trôi qua, nhưng vụ án xảy ra tại số nhà 114 đường Ngô Tùng Châu (Quận 1, TP. HCM) vào đêm cuối năm 1978, nhiều người vẫn còn cảm thấy rùng mình vì sự tàn bạo của nhóm đối tượng gây án và không khỏi luyến thương cho nghệ sĩ cải lương tài năng, kiều diễm Thanh Nga…
Cặp vợ chồng nghệ sĩ tài hoa
Trong giới nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ cải lương nói riêng, “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga là một hiện tượng đặc biệt, bà là một tài năng thiên bẩm thanh sắc vẹn toàn. Trên sân khấu nữ diễn viên này dù xuất hiện trong bất cứ vai phụ nữ nào đều để lại dấu ấn khó phai trong lòng.
Với người yêu nghệ thuật cải lương thì Thanh Nga là một tên tuổi lớn, được tôn vinh là “Nữ hoàng sân khấu”. Bà được nhiều thế hệ yêu thương, mến mộ.
Từ vai Thái hậu Dương Vân Nga cao sang, lộng lẫy, đến vẻ uy nghi của Trưng Trắc, hay tiểu thư Quỳnh Nga hiền thục trong bên cầu dệt lụa hoặc hóa thân làm sơn nữ Phà Ca bi thương sầu mộng trong Người vợ không bao giờ cưới… Tất cả để lại dấu ấn rất riêng, một đỉnh cao trong nghệ thuật sân khấu cải lương.
Nghệ sỹ Thanh Nga là một hiện tượng đặc biệt, bà là một tài năng thiên bẩm thanh sắc vẹn toàn. |
Cùng thời, tình hình an ninh trật tự ở Sài Gòn diễn biến phức tạp. “Hòn ngọc viễn Đông” bâý giờ là mảnh đất của nhiều băng nhóm “xã hội đen” hoạt động, trong đó phần lớn là những tên giang hồ, lưu manh trốn trại, binh lính chế độ cũ… chúng gây ra nhiều vụ cướp của, giết người khiến người dân thành phố sống trong hoang mang.
Trong bối cảnh đất nước phải đối phó với thù trong giặc ngoài và những phức tạp về kinh tế, xã hội, việc nhiều vụ án nghiêm trọng liên tục xảy ra, không khỏi khiến lãnh đạo Công an thành phố lúc đó đau đầu.
2 mạng người trong đêm định mệnh
Theo hồ sơ vụ án, vụ án sát hại vợ chồng diễn viên Thanh Nga vào đêm ngày 26/11/1978, trong xe riêng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Đêm định mệnh ấy, diễn viên Thanh Nga thủ vai Thái Hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh).
Khi tan xuất diễn ra về, nữ nghệ sĩ không kịp tẩy trang và thay đổi phục trang của vai diễn, vẫn mặc nguyên bộ triều phục màu đỏ rực rỡ của thái hậu Dương Vân Nga rời rạp hát lên xe cùng chồng là đạo diễn Duy Lân (tên đầy đủ là Phạm Duy Lân) và con trai Phạm Duy Hà Linh (5 tuổi, tên thân mật gọi ở nhà là Cúc Cu) trên chiếc ô tô 4 chỗ Volkwagen, cùng với vệ sỹ riêng của gia đình.
Khi chiếc xe vừa đỗ trước nhà thì xuất hiện hai người đi xe gắn máy Honda lao tới. Một tên cầm súng lao tới tấn công người vệ sĩ lúc này đã ra khỏi xe và đòi bắt con nghệ sĩ Thanh Nga. Đôi bên giằng co, Thanh Nga cắn vào tay kẻ cầm súng để cứu con trai nhưng tiếng súng chát chúa vang lên, nữ nghệ sĩ ôm ngực đổ gục xuống băng ghế.
Thấy vợ bị bắn, chồng Thanh Nga lao đến ngăn cản thì trúng phát súng thứ hai khiến ông gục xuống. Trong vòng chưa đầy năm phút, sau khi gây án, hai hung thủ bí ẩn phóng xe gắn máy về hướng ngã sáu Sài Gòn và mất hút trong màn đêm.
Dường như cái chết oan nghiệt của cặp vợ chồng nổi tiếng này đã được báo trước. Bởi trước đó tại rạp Lux, trong vở "Tiếng trống Mê Linh", khi Thanh Nga và Thanh Sang (vai Trưng Trắc và Thi Sách), đang diễn say sưa, hung thủ giấu mặt đã tung lựu đạn về phía sân khấu nhưng cả hai nghệ sĩ may mắn thoát chết.
Nhận được thông tin cấp báo, lực lượng Công an lập tức có mặt khám nghiệm hiện trường. Bên trong xe hơi của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga có một một đầu đạn, một vỏ đạn được xác định từ khẩu súng P.38.
Ngoài ra, đồ đạc trong xe có dấu hiệu bị xáo trộn. Chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn trúng ngực trái, xuyên thẳng từ trước ngực ra sau lưng. Nữ nghệ sĩ cũng bị vết bắn tương tự. Vụ án gây chấn động không chỉ trong giới Văn nghệ sĩ Sài Gòn mà còn lan rộng đến khán giả đam mê cải lương khắp các tỉnh miền Nam.