Lịch sử Trung Hoa phong kiến từng ghi chép về một số Hoàng đế từng sở hữu hậu cung không chỉ có phi tần mỹ nữ mà còn có các nam sủng nhỏ tuổi.
Nếu đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều này được coi là chuyện thường tình đối với các Thiên tử nắm trong tay ngôi vị cửu ngũ chí tôn. Thế nhưng nếu đánh giá trên luân lý đạo đức thời hiện đại, sở thích nuôi dưỡng các nam sủng nhỏ tuổi của họ chẳng khác nào tình trạng "ấu dâm" mà người đời vẫn thường lên án.
Mỗi khi nhắc tới những giai thoại về các Hoàng đế có sở thích lệch lạc như trên, hậu thế vẫn thường nhớ đến câu chuyện của Phù Kiên – vị vua từng phải nhận "báo ứng" bởi chính hành động ấu dâm của mình.
Phù Kiên (337 – 385), tự Vĩnh Cố, là Hoàng đế của nước (Tiền) Tần trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc của lịch sử Trung Hoa.
Mùa đông năm 370, Phù Kiên cho quân giao chiến với nước Tiền Yên của hoàng tộc Mộ Dung. Bấy giờ nhờ vào số lượng quân số vượt trội, quân Tiền Tần đã thắng trận, nước Tiền Yên cũng chính thức bị diệt vong.
Sự diệt vong của đất nước này đã khiến cho hoàng tộc họ Mộ Dung trở thành những người không nơi nương tựa. Họ buộc phải rời kinh đô cũ để đến vùng Quan Trung (trung tâm của Tiền Tần) sinh sống.
Trong số những hoàng tộc vong quốc này, có một nhân vật đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Phù Kiên ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi. Đó chính là Mộ Dung Xung – con trai của Hoàng đế Mộ Dung Tuấn thuộc nước Tiền Yên trước đó.
Mộ Dung Xung (359 – 386), tiểu tự Phụng Hoàng, là con của Tiền Yên Đế Mộ Dung Tuấn, mẹ là Hoàng hậu Khả Túc Hồn thị. Ông vốn xuất thân từ tộc Tiên Ti và sau này trở thành vị quân chủ thứ hai của nước Tây Yên.
Vào năm Tiền Yên bị Tiền Tần của Phù Kiên tiêu diệt, Mộ Dung Xung còn chưa tròn 12 tuổi. Tương truyền rằng ông từ nhỏ đã sở hữu tướng mạo tuấn mỹ, thậm chí còn được xếp vào một trong những mỹ nam nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa xưa.
Về số phận của ông sau khi vong quốc, "Tấn thư" từng ghi lại:"Phù Kiên diệt Yên, chị Mộ Dung Xung là công chúa Thanh Hà năm đó 14 tuổi, có nhan sắc nên được nạp vào hậu cung. Mộ Dung Xung năm đó mới 12, nhờ dung mạo xuất chúng nên cũng được sủng hạnh".
Có lẽ, chính dung mạo trời ban đã khiến Mộ Dung Xung lọt vào tầm ngắm của Phù Kiên. Thế nhưng điều đáng nói là năm ấy ông mới hơn mười tuổi, còn Phù Kiên thì đã ngoài ba mươi.
Hơn nữa, "nạn nhân" của vị Hoàng đế có sở thích ấu dâm này chẳng những chỉ có mình Mộ Dung Xung mà còn có Thanh Hà công chúa năm đó mới chỉ 14 tuổi.
Mối thù nước mất nhà tan còn chưa nguôi ngoai, Mộ Dung Xung đã bị chính kẻ thù của mình làm nhục. Đây chính là lý do khiến vị vương gia thất thế ấy ôm mối hận thấu xương với kẻ đã lạm dụng mình.
Hành động trái với luân thường đạo lý của Phù Kiên chẳng những khiến hoàng tộc họ Mộ Dung bất bình mà còn vấp phải sự phản đối kịch liệt của Vương Mãn – một đại thần trong triều Tiền Tần lúc bấy giờ.
Thế nhưng ngay cả khi trọng thần liên tục can ngăn thì cũng phải tới 3 năm sau, Phù Kiên mới trả lại tự do cho Mộ Dung Xung bằng cách để ông xuất cung.
Hai năm sau đó, Mộ Dung Xung trở thành Thái thú Bình Dương ở tuổi 17. Dù vậy, quãng đời đầy khuất nhục mà Phù Kiên đem lại vẫn khiến ông không cách nào nguôi ngoai sự thù hận.
Năm 383, trận chiến Phì Thủy xảy ra giữa quân Tiền Tần và quân Đông Tấn. Hơn 90 vạn quân Tiền Tần dưới sự chỉ huy của Phù Kiên đã đại bại trong tay danh tướng Tạ Huyền của phe Đông Tấn. Kể từ sau thất bại trên, Tiền Tần đã nhanh chóng suy yếu, bản thân Phù Kiên bấy giờ cũng bị trọng thương.
Nhân cơ hội này, các nhân vật thuộc hoàng tộc Mộ Dung đã nổi dậy chống Tần, Mộ Dung Xung cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, không lâu sau ông đã bị quân Tiền Tần đánh bại và phải chạy tới nương nhờ thế lực của anh trai Mộ Dung Hoằng.
Năm 234, sau cái chết của anh trai, Mộ Dung Xung được nghĩa quân tôn lên làm lãnh đạo mới của nhánh quân này. Phù Kiên sau đó vừa muốn nghị hòa lại muốn nối lại tình xưa với ông nên đã gửi tặng một chiếc cẩm bào và còn cố ý chuyển tới những lời đầy sắc dục:
"Hôm nay trẫm tặng khanh chiếc cẩm bào này để biểu đạt sự quan tâm của trẫm dành cho khanh. Khanh làm sao có thể một sớm một chiều mà quên đi tình xưa nghĩa cũ giữa chúng ta?".
Thế nhưng bản thân Phù Kiên không ngờ rằng, những gì diễn ra sau đó lại là đòn trả thù sâu cay mà Mộ Dung Xung dành cho kẻ năm xưa đã làm nhục mình.
Năm 385, sau khi nghe tin người anh trai thứ hai là Mộ Dung Vĩ bị Phù Kiên giết chết, Mộ Dung Xung đã lên ngôi xưng đế. Không lâu sau đó, ông dẫn quân bao vây thành Trường An – kinh đô của Tiền Tần và cũng là nơi Phù Kiên đang cố thủ.
Trước sự công kích và bao vây từ bên ngoài của Mộ Dung Xung, thành trì này nhanh chóng rơi vào một nạn đói khủng khiếp. Để trả mối thù năm xưa với Phù Kiên, ông còn cho quân lính thoải mái đi cướp phá, giết chóc ở vùng Quan Trung, khiến nơi đây ngập trong biển máu.
Cũng trong năm ấy, Phù Kiên vì muốn tìm kiếm nguồn lương thực nên đã bí mật ra khỏi thành. Tuy nhiên ngay sau đó, kinh đô Tiền Tần đã thất thủ trước quân của Mộ Dung Xung.
Vào mùa thua năm 385, Phù Kiên đã bị chính những phản quân của mình siết cổ cho tới chết sau một thời gian ngắn chạy loạn. Gia quyến của ông sau đó phần lớn đều tự sát.
Cái chết đau đớn của Phù Kiên đã khiến mối hận của Mộ Dung Xung nguôi ngoai đi phần nào. Thế nhưng dù vậy thì quá khứ khuất nhục vẫn cứ mãi đeo bám vị Hoàng đế trẻ của nước Tây Yên.
Một số tài liệu lịch sử ghi lại, kể từ khi đem quân đi đánh Trường An, tính cách của Mộ Dung Xung dần có nhiều thay đổi tiêu cực. Ông trở nên thất thường và hay hành xử theo ý kiến cá nhân của mình chứ không quan tâm tới những lời can gián từ thuộc hạ.
Tới năm 386, một năm sau khi Phù Kiên bị giết, Mộ Dung Xung cũng vong mạng trong tay chính những thuộc hạ phản phúc của mình khi mới 27 tuổi. Ông được truy phong làm (Tây) Yên Uy Đế và được sử sách công nhận là vị vua thứ 2 của nước Tây Yên trong giai đoạn Ngũ Hồ thập lục quốc.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới giai thoại của Phù Kiên và Mộ Dung Xung, hậu thế vẫn thường cho rằng cái chết của Phù Kiên thực chất là báo ứng cho những gì mà ông đã từng làm lúc sinh thời.
Về phần Mộ Dung Xung, ngay cả khi đã báo thù rửa hận thì những gì mà quá khứ khuất nhục đem lại cũng khiến ông không thể có được một cuộc sống yên ổn.
Có ý kiến còn cho rằng, chính những ám ảnh về một thời tuổi thơ bị lạm dụng đã khiến tính cách của Mộ Dung Xung biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Bên cạnh đó, mối quan hệ với Phù Kiên còn ảnh hưởng đến danh tiếng của Mộ Dung Xung và biến ông trở thành vị Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa từng có xuất thân là nam sủng.