Cảm cúm là căn bệnh xuất hiện phổ biến vào thời điểm giao mùa. Ảnh: Medline Plus. |
Trang Wusa9 thông tin hắt hơi, sổ mũi là những triệu chứng thường gặp vào thời điểm giao mùa. Trong thời điểm này, mọi người sẽ nhận thấy sự gia tăng đột biến của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và cúm.
Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng cho thấy phản ứng của con người đối với virus trung bình chậm lại gần 50% khi gặp không khí lạnh. Đồng thời, điều này có liên quan trực tiếp đến mũi.
Mũi thường là tuyến bảo vệ đầu tiên chống lại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp.
"Chúng ta hít vào khoảng 10.000 lít không khí mỗi ngày. Trong đó, mũi hoạt động như một bộ lọc để loại bỏ virus và vi khuẩn. Nghiên cứu phát hiện ra khi virus xâm nhập vào mũi, cơ quan này sẽ chuyển sang chế độ tấn công, giải phóng hàng tỷ túi nhỏ chứa đầy chất lỏng gọi là 'EV' hoặc túi ngoại bào, có chức năng bao vây và loại bỏ mầm bệnh", tiến sĩ Benjamin Bleier, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư trường Y Harvard, bác sĩ tại Mass Eye and Ear, nói.
Cũng theo ông Bleier, khi mũi tiếp xúc với virus, ngay phía trước mũi sẽ phát hiện ra các hạt này, sau đó tạo ra phản ứng rất nhanh và mạnh mẽ. Ông lý giải điều này bắt nguồn từ các tế bào giải phóng một loạt EV, gần giống như tổ của ong bắp cày. Vì vậy, cơ chế hoạt động của mũi tương tự bầy ong bắp cày bay ra để bảo vệ tổ.
Trên thực tế, hệ thống miễn dịch của con người rất kiên quyết và không xem nhẹ sự xâm nhập của virus. Ông Bleier cho biết EV chứa nhiều thụ thể hơn để liên kết với virus, trước khi nó có cơ hội lây nhiễm vào tế bào của con người.
Ở 23 độ C, tất cả cơ chế này đều hoạt động tốt. Nhưng trong nghiên cứu, khi các nhà khoa học hạ nhiệt độ xuống khoảng 4 độ C trong 15 phút, nhiệt độ mũi và phản ứng của cơ thể cũng đã giảm theo.
Ông Bleier và các đồng nghiệp nhận thấy phản ứng EV giảm khoảng 50% khi nhóm của ông thử nghiệm phản ứng này với virus Covid-19 và 2 loại virus mũi gây cảm lạnh thông thường.
Theo tiến sĩ Bleier, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa cảm cúm vẫn là giữ ấm hoặc che mũi mỗi khi thời tiết trở lạnh.
"Những chiếc khẩu trang mà mọi người thường đeo mang lại tác dụng kép rất tốt, nó ngăn chúng ta hít phải virus. Tôi nghĩ rằng nó còn giữ ấm không khí trước mũi của mọi người", ông Bleier nói.
Trong tương lai, tiến sĩ Bleier hy vọng sẽ có những phương pháp tối ưu hơn để giữ cho mũi của mọi người luôn trong trạng thái ấm áp.
"Chúng tôi sẽ tìm ra các liệu pháp khác có thể áp dụng cục bộ ngay phía trước mũi và bảo vệ mọi người chống lại sự lây nhiễm virus trong tương lai", ông Bleier nói.