Theo đó, cách dạy tập trung vào ngữ âm. "Chương trình tiếng Việt công nghệ này dạy cho trẻ đúng bản chất ngữ âm của Tiếng Việt. Và với cách dạy của thầy Đại, sẽ không bao giờ có người nói ngọng, và viết sai chính tả. Cách học này gọi đúng là tiếng Việt phổ thông mà không cần phải phiên dịch khi đến vùng này vùng kia nữa.
Ưu điểm của chương trình dạy tiếng Việt của thầy Đại là dạy 1 biết 10, có nghĩa là dạy 1 loại vần học sinh có thể suy ra các vần khác nhau nữa. Hiện hành trẻ con học vần nào biết vần nấy, còn tiếng Việt của thầy Đại có cải tiến, tiếng Việt chỉ có 4 loại vần, rất nhẹ nhàng, trẻ con dễ học, dễ nhớ", vị này phân tích.
Được biết, năm 1986, bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời. Từ năm học 2013-2014, bộ sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại được đưa vào các trường tiểu học. Đến nay, gần 50 tỉnh, thành phố sử dụng. Có nơi triển khai 100% các trường dạy theo sách Tiếng việt lớp 1 của thầy Hồ Ngọc Đại.
Cách đánh vần "gây tranh cãi" của GS. Hồ Ngọc Đại. |
Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ. Theo đó, chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” và thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.... Cách đánh vần này được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành) do GS. Hồ Ngọc Đại biên soạn hoàn toàn "khác lạ" so với các học vần truyền thống.Nhiều phụ huynh khi biết đến chương trình này đã cho rằng, sự thay đổi này làm phức tạp hóa hơn cách học tiếng Việt với học sinh lớp 1.
Cùng ngày, trả lời báo chí, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết, chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT thẩm định và chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học. Đồng thời, Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này.