Chị V.Th (30 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị đang là trợ lý cho một công ty truyền thông. Người vợ trẻ này kể gia đình chị có tất cả 4 thành viên, gồm 2 vợ chồng, con nhỏ và mẹ chồng đang ở chung.
"Mức chi tiêu hàng tháng của gia đình mình dù có 4 người nhưng không tháng nào dưới 30 triệu đồng. Tiền hai vợ chồng làm chỉ đủ chi tiêu trong gia đình mà không để tiết kiệm được bất cứ khoản nào. Đến khi hai vợ chồng có tâm lý muốn sinh bé thứ hai mới hoảng hốt vì không đủ tài chính.
Cách đây 3-4 tháng, mình có gặp lại một người bạn hồi đại học đang làm bên mảng tài chính cá nhân và có nhờ tư vấn. Mình cảm thấy khá hữu ích nên bắt đầu đọc sách và tìm hiểu về lối sống tối giản. Áp dụng triệt để những gì anh bạn này dạy vào cuộc sống của mình thì phát hiện mức chi tiêu giảm hẳn. Gia đình mình học cách cắt bỏ các khoản chi không cần thiết và bất ngờ là sau 1 tháng đã tiết kiệm được gần 7 triệu đồng", chị V.Th chia sẻ.
Cụ thể, chị Th. và mọi thành viên trong gia đình hàng tháng thực hiện tiết kiệm 10 khoản sau:
Khoản tiết kiệm 1: Hạn chế ăn nhà hàng, tiết kiệm 3 triệu
Ảnh minh họa. |
Nếu trước kia 1 tuần vợ chồng chị mất trung bình 1 triệu đồng cho việc ăn ngoài, tính ra 1 tháng mất tầm 4 triệu thì nay vợ chồng chị gần như ít đi, chăm chỉ nấu nướng, giảm xuống còn 1 lần 1 tháng hoặc vào các dịp lễ đặc biệt. Như vậy chị giảm được 3 triệu/tháng.
"Mình là người làm truyền thông nên cứ khi nào bắt gặp một địa chỉ ăn ngon, giá rẻ là mình lại muốn tới để thử và cảm nhận. Vì thường đi cả gia đình 4 người nên những chỗ mình lựa chọn đều phải đáp ứng được tiêu chí ngon, lịch sự… chứ không kiểu ăn vỉa hè.
Tuy nhiên việc này khá tốn kém. Bây giờ thay vì làm điều này, các dịp cuối tuần mình hay nấu những món cầu kỳ, làm 1 số món nhà hàng vẫn làm, và rủ chồng cùng tham gia. Mình thấy khá vui vì thích nấu nướng và mày mò nữa", chị Th. nói.
Khoản tiết kiệm 2: Chỉ ăn thực phẩm sạch theo mùa ở quê trồng
Nếu trước đây 1 tuần đi siêu thị mua đồ ăn 1 lần, mỗi lần tầm hết 500-700 ngàn đồng thực phẩm cho cả tuần thì đợt này chị Th. chọn chính sách gửi tiền về nhà cho bà ngoại và nhờ gửi đồ ở quê ra để đảm bảo. Vì ở quê bố mẹ chị Th. có trang trại trồng rau, chẳng qua lâu nay chị ngại nên toàn tự đi siêu thị.
"Việc này thực ra mình không tiết kiệm được là bao nhưng lại có khoản cho bố mẹ hàng tháng. Như mọi người biết giá rau sạch ở Hà Nội đắt, mua rau nhiều khi đắt hơn mua thịt, trong khi bố mẹ ở quê trồng rau sạch ăn không hết toàn đi cho hàng xóm thôi".
Khoản tiết kiệm 3: Chuyển sang ăn hoa quả theo mùa tiết kiệm 1 triệu/tháng
Từ khi thực hành tiết kiệm, gia đình chị chuyển sang ăn hoa quả theo mùa thay vì trước đây khá tốn kém trong việc mua các hoa quả nhập như: cherry, nho, táo Mỹ, kiwi, lê Nhật...
Cá nhân chị cũng thấy, xét về giá trị dinh dưỡng thì nhiều loại hoa quả nhập còn thấp hơn hoa quả Việt Nam mà giá thì gấp cả 10 lần. Nên nếu thèm chị Th. mới mua đổi vị cho cả gia đình và đây không còn là thực đơn hàng ngày của cả nhà chị nữa.
Khoản tiết kiệm 4: Ăn sáng tại nhà tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng
Ảnh minh họa. |
Trước đây 2 vợ chồng chị Th. ăn sáng hoàn toàn bên ngoài. Do đó, trung bình 30 ngàn đồng x 30 ngày x 2 người = 1,8 triệu đồng. Thực tế, chị còn đang làm trên phố nên nhiều lúc ăn sáng còn cao hơn.
Chị thay đổi bằng cách dậy sớm. Thi thoảng chị nấu bún miến phở, có khi đi xuống mua bánh cuốn, xôi về ăn. Việc này giúp vợ chồng chị tiết kiệm tầm 1 triệu/tháng.
Khoản tiết kiệm 5: Tập thể dục gần nhà tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng
Chị Th. có mua tập giá tầm 17 triệu/13 tháng. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm 1 thời gian, chị nhận ra không bằng chỗ tòa nhà của chị còn có cả bể bơi. Trong khi thẻ của chị không phải thẻ có thể tập mọi cơ sở và cơ sở chị tập không có bể bơi.
"Thực ra, chỗ tập nên lựa chọn 1 là sát nhà, 2 là sát công ty như thế mới thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi lại và không bị lười đi. Hơn nữa nhiều cơ sở mới mở cơ sở vật chất đều rất mới, đầy đủ tiện nghi, và người tập cũng không sử dụng hết, chỉ sử dụng 1-2 máy chính và tham gia các lớp nhảy, yoga. Riêng phần này mình tiết kiệm được 12 triệu/năm, tương đương 1 triệu/tháng".
Khoản tiết kiệm 6: Từ bỏ thói quen uống trà sữa, café, ăn vặt tiết kiệm 320 ngàn/tháng
Thay vì thói quen uống trà sữa, café, ăn vặt trước đây, giờ chị Th. hay xay nước ép hoa quả và sữa hạt ở nhà mang lên để tủ lạnh công ty, uống vừa ngon, bổ, sạch.
Khoản này bớt đi tiết kiệm cho chị khoảng 40 ngàn đồng/2 cốc/tuần x 4 tuần = 320 ngàn đồng.
Khoản tiết kiệm 7: Không gội đầu ở tiệm mà gội đầu tại nhà, tiết kiệm 400 ngàn/tháng
Do ngay dưới nhà có hàng gội đầu nên tối rảnh chị Th. thường xuống gội và massage thư giãn. Dù khoản này không đáng bao nhiêu nhưng chị T. cũng thực hành tiết kiệm.
"Khoản này mình tiết kiệm được 50 đồng x 2 người/tuần x 4 tuần=400 đồng/ tháng. Số tiền này mình bỏ lợn để tiết kiệm".
Khoản tiết kiệm 8: Không mua sách thường xuyên mà đọc sách điện tử, tiết kiệm 500 ngàn/tháng
Ảnh minh họa. |
Vì muốn căn nhà có không gian thật thoáng và ít đồ, chị Th. không còn tích trữ sách giấy như trước. Chị chuyển sang đọc sách điện tử, tiền mua sách hàng năm chị phải chi ít nhất 500 ngàn đồng/tháng, thì nay gần như không mua nữa.
Khoản tiết kiệm 9: Giảm mua sắm quần áo
Nhờ ảnh hưởng lối sống tối giản, chị Th. đã dọn dẹp và cho đi mấy thùng quần áo. Sau đó, chị định hình lại phong cách, không ham hố mua đồ sale, sặc sỡ, cầu kỳ… rồi về không mặc hoặc mặc 1 lần. Chị chỉ cần có 2 đôi giày xịn, 4 bộ quần áo xịn nên hàng ngày chẳng tốn công lựa chọn mà vẫn mặc đẹp.
"Mình cố gắng chỉ sở hữu cái thực sự cần thiết. Mạnh dạn cho đi, vứt bỏ những cái không cần thiết. Mua cái gì thì hãy mua cái tốt nhất, thực sự ưng ý, lúc nào có nhu cầu hãy mua. Kiếm tiền mới khó chứ mua thì lúc nào mua chẳng được", chị T. chia sẻ kinh nghiệm.
Khoản tiết kiệm 10: Thanh lý, bán các đồ không có giá trị sử dụng đối với gia đình hoặc cho tặng bớt đi
Chỉ 1 ngày soạn đồ, chị Th. nhận ra chị có 1 ipad, 1 macbook, và 1 chân máy quay cực ít dùng đến (1 năm dùng một vài lần). Những đồ công nghệ này của chị vẫn còn bảo hành nên bán giá thanh lý nhanh và rất tốt.
Ngoài ra chị cũng dọn 3-4 thùng đồ còn khá mới nhưng không dùng và mang cho tặng những người quen đang cần như 1 cách để củng cố và xây dựng mối quan hệ nữa.
Với 10 khoản tiết kiệm trên, tính sơ sơ chị T. đã tiết kiệm được gần 7 triệu/tháng: "Tổng 1 tháng mình đã tiết kiệm được gần 7 triệu. Khoản này nếu tính toán ra trong 20 năm thì không biết lớn ra sao.
Nhưng đối với lối sống của gia đình mình thì khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư cho con hoặc các trải nghiệm của gia đình. Ngoài ra, cứ thực hành ghi chép chi tiêu cẩn thận, cuối tháng nhìn lại sẽ biết tiền của gia đình đã được sử dụng, xem đúng chỗ chưa và nhận ra được khoản nào nên giảm, khoản nào nên tăng".