Cho thuê vỉa hè cũng là câu chuyện không mới và nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này nhưng đưa ra những quy định chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng vỉa hè hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến người dân cũng như mỹ quan,...
Thái Lan đã thực hiện tính phí hàng rong sử dụng vỉa hè gần 20 năm trước. Vào năm 2005, quốc gia này ban hành bộ quy tắc về quy định và điều kiện bán hàng rong trên hè phố. Theo đó, quầy hàng không được rộng quá 2m2 và cao quá 1,5m; các quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống cho người đi bộ; được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn và phân bổ thời gian bán hàng theo ca ngày, ca đêm.
Từ năm 2014, chính quyền Bangkok quyết tâm "dọn sạch" vỉa hè bằng cách phạt nặng xe đậu, đi trên vỉa hè, quầy bán hàng rong lấn chiếm không gian.
Ảnh: CNA. |
Ngoài ra, người bán hàng rong ở Thái Lan phải đăng ký hoạt động có giấy phép. Với các tiểu thương đủ điều kiện kinh doanh trên phố, chính quyền sẽ thu phí hàng năm gồm tiền giấy phép và phí vệ sinh. Việc thu phí tại Bangkok do cơ quan thuế của các quận thu hàng tháng tại chỗ, có xuất hóa đơn tài chính.
Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định giải quyết tình trạng bán hàng rong, đậu xe trái phép trên vỉa hè. Đầu tháng 2/2023, chính quyền Bắc Kinh thông báo thí điểm triển khai dự án quy hoạch bán hàng rong ở một số khu vực kinh doanh chính.
Thay vì để các gánh hàng rong kinh doanh rải rác tại nhiều tuyến phố như trước đây, các tiểu thương cần phải đăng ký bán hàng, bắt buộc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Họ cũng sẽ phải đăng ký thời gian hoạt động, sản phẩm bán và địa điểm bán để đảm bảo an toàn công cộng.
Tại Singapore, chính quyền quy hoạch khu vực dành riêng cho người bán hàng rong, lập tuyến phố ẩm thực để tiểu thương tới buôn bán, phục vụ du khách tới thưởng thức.
Ảnh: Business Insider. |
Người bán hàng rong ở Singapore buộc phải tuân thủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường cảnh quan và không ảnh hưởng tới người đi bộ.
Năm 2007, chính quyền Seoul (Hàn Quốc) thành lập nhiều “tuyến phố riêng biệt”, cho phép khoảng 700 người bán hàng rong hoạt động.
Tại thành phố New York, Mỹ, Quảng trường Thời đại là khu vực phát triển, sầm uất với những quán hàng ven đường, xe đẩy... Các hộ kinh doanh phải nộp phí để có được giấy phép hoạt động.
Tại nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp,...việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan.
Tại Pháp, giới chức nước này cho phép các hộ kinh doanh quán cà phê được kê bàn ghế bên ngoài lề đường nhưng phải tuân theo quy định. Theo một bài báo năm 2011 trên Latribune, 25% diện tích vỉa hè Paris được chính quyền cho các hộ kinh doanh thuê. Các quán cà phê bắt buộc phải dành tối thiểu 1,6 m cho người đi bộ và đảm bảo các tiêu chuẩn về thẩm mỹ và môi trường. Cửa hàng sẽ bị phạt nếu vi phạm các quy định được đặt ra.
Ảnh: Foodandthefabulous.com. |
Tháng 4/2016, Chính phủ Anh đề ra chủ trương “dọn sạch” nạn lấn chiếm vỉa hè giúp đường phố an toàn, sạch đẹp hơn và khuyến khích người dân đi bộ, luyện tập thể thao. Tại London, nếu muốn mở các gian hàng trên đường phố, người bán phải xin giấy phép. Nếu muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè, họ cần xin thêm một giấy khép khác.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ban hành quy định sử dụng vỉa hè trong kinh doanh từ tháng 4/2007. Theo đó, cá nhân, công ty có nhu cầu phải nộp đơn online qua Cơ quan quản lý đường bộ và giao thông vận tải xét duyệt. Khi sử dụng, các cơ sở kinh doanh phải chừa tối thiểu 2m chiều rộng vỉa hè cho người đi bộ.
Các loại bàn ghế, cột kèo không được cao quá một mét,...Nếu vi phạm các quy định được đặt ra, chủ nhà hàng sẽ bị xem xét tước giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Nhiều chiêu trò bán hàng trực tuyến trong mùa giảm giá
Nguồn video: VTV