Sau hai ngày nhóm họp tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, đại diện của các nhóm đối lập và lực lượng nổi dậy tại Syria hôm qua đã nhất trí sẽ thành lập một đoàn đại biểu chung để tiến hành đàm phán với chính phủ Syria trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva đạt được ngày 30/6/2012.
Các đại diện của phe đối lập Syria. Ảnh: Alarabiya. |
Tuyên bố chung của phe đối lập Syria kêu gọi thành lập “một chế độ đa nguyên đại diện tất cả các bên”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh của ông này không được tham gia vào bất cứ giai đoạn chuyển giao nào.
Các nguồn tin đối lập cho biết, các nhóm đối lập chính trị và vũ trang của Syria tham gia hội nghị Riyadh đã nhất trí về một khuôn khổ đàm phán với Tổng thống Assad.
Ông Kabawat-thành viên của phe đối lập nói: "33 thành viên của ủy ban đã được lựa chọn và chúng tôi sẽ thảo luận về kế hoạch và lộ trình đàm phán với phía ông al-Assad. Dự kiến cuộc họp giữa các phe phái tại Syria và chính quyền của ông al-Assad sẽ diễn ra vào những ngày đầu tiên của tháng tới”
Theo báo cáo cuối cùng của hội nghị, phe đối lập đồng ý tham gia đàm phán với đại diện của Chính phủ Syria vào tháng 1 năm sau, đồng thời chấp nhận một lệnh ngừng bắn được giám sát bởi Liên Hợp Quốc. Các nhóm đối lập Syria cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc hối thúc chính quyền của Tổng thống Assad thực hiện những biện pháp xây dựng lòng tin trước khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình, trong đó có việc đình chỉ các bản án tử hình, phóng thích tù nhân, ngừng các cuộc vây hãm và tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến hàng viện trợ nhân đạo.
Phe đối lập Syria trước đó yêu cầu ông Assad phải từ chức trước khi tiến hành thương lượng. Trong tuyên bố chung mới nhất thì ông Assad được phép ở lại cho đến khi chính phủ chuyển tiếp được thành lập. Đây có thể xem là một thay đổi lớn.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đã bày tỏ hoan nghênh các nhóm đối lập tại Syria tại cuộc họp diễn ra tại Saudi Arabia đã ra được tuyên bố trong đó có việc các nhóm đối lập nhất trí sẽ thành lập một đoàn đại biểu chung để tiến hành đàm phán với Chính phủ Syria trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva đạt được ngày 30/6/2012.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã gọi đây là “bước đi đầu tiên” để chuẩn bị nền móng cho cuộc đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad: "Đây là một cột mốc quan trọng trong việc để các cuộc đàm phán chính trị giữa các phe phái tại Syria và chính quyền của ông al-Assad diễn ra vào đầu năm tới. Đây là một bước đi quan trọng đầu tiên. Có vẫn còn nhiều việc phải làm từ bây giờ ví dụ là chọn một nhóm đàm phán và chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán chính trị sẽ diễn ra".
Hội nghị tại Riyadh thu hút gần 100 đại biểu đại diện cho các nhóm đối lập và vũ trang hoạt động bên trong và ngoài lãnh thổ Syria. Tương lai của Tổng thống al-Assad là một trong những chủ đề thảo luận gây tranh cãi nhất tại hội nghị này.
Tuy nhiên, nhóm vũ trang đối lập ở Syria có tên Ahrar Al Sharm đã bất ngờ rút khỏi cuộc họp của phe đối lập vì không đồng tình với việc nhiều nhân vật liên quan đến ông Assad được nắm quyền...
Nếu nhóm này không tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn thì thỏa thuận trên sẽ khó lòng được triển khai êm đẹp, vì nhóm này kiểm soát một vùng lãnh thổ khá lớn. Chưa kể, nó cho thấy mâu thuẫn giữa các nhóm trong Liên minh "nổi dậy ôn hòa" khi một số nhóm không thật sự mạnh lại được hậu thuẫn chính trị lớn hơn những nhóm chiếm được nhiều vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, nhóm Mặt trận Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, đã được loại khỏi danh sách đàm phán tại Riyadh và nhóm này cũng sẽ không có phần trong bất kỳ một thỏa thuận ngừng bắn nào được đưa ra trong tương lai.
Riêng người Kurd tại Syria, nhóm đang kiểm soát phần lớn miền Bắc nước này, không được mời đến Riyadh. Họ tự tổ chức cuộc họp riêng của mình về tương lai Syria.