Năm 2021, trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VietinBank đã dành hơn 7.000 tỷ đồng thông qua cắt giảm lợi nhuận để chủ động triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất (LS) cho vay, phí dịch vụ (DV) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho KH. VietinBank đã đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng (KH), nhóm KH để duy trì hoạt động và phục hồi, phát triển, như: Gói giải pháp đồng hành cùng DN chiến thắng dịch, chiến dịch vùng xanh tài chính cùng VietinBank, gói tài chính tuyến đầu chống dịch... VietinBank đã cho vay mới hơn 940 nghìn tỷ đồng cho hơn 22 nghìn KH gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ hạ LS với mức hạ LS phổ biến 1% - 2%/năm cho khoảng 25 nghìn KH với dư nợ được miễn giảm LS hơn 400 nghìn tỷ đồng. Đồng thời VietinBank tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN cho khoảng 2.000 KH.
Lấy KH là trung tâm, VietinBank đã triển khai các chủ điểm kinh doanh theo hướng cung cấp giải pháp DV tài chính NH toàn diện cho KH, trở thành NH phục vụ chính và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ hệ sinh thái của KH với các quy trình xử lý đơn giản, thời gian xử lý giao dịch nhanh. Tăng cường khai thác nhóm KH có hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc cung cấp các sản phẩm (SP) tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ với mức phí cạnh tranh, mở rộng giải pháp kết nối về thanh toán, thu chi hộ, thực hiện số hóa kênh giao dịch với hạ tầng hiện đại và những tiện ích vượt trội, nâng cao trải nghiệm KH trên kênh số cũng như đa kênh liền mạch, giúp KH giao dịch nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, an toàn bảo mật. Thúc đẩy hoạt động NH đầu tư với DV tài khoản (TK) vốn phục vụ các DN FDI và nhà đầu tư nước ngoài trong các giao dịch M&A, DV quản lý tài sản bảo đảm, lưu ký giám sát nhằm tăng thu phí và CASA. Phát triển phân khúc KH cá nhân ưu tiên thông qua cung cấp gói giải pháp cho KH, hoàn thiện nền tảng, phát triển khai thác bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ qua các kênh bán hàng đa dạng. Theo đó, tăng trưởng thu phí DV, lợi nhuận hoạt động kinh doanh (HĐKD) ngoại tệ của NH rất tích cực so với năm 2020, góp phần cải thiện cơ cấu thu nhập của VietinBank theo hướng bền vững; nguồn vốn CASA tăng 28%, tỷ trọng CASA trong tổng nguồn huy động cũng tăng lên khoảng 21% từ mức 19,6% năm 2020.
VietinBank tăng trưởng tín dụng vào các khu vực địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng khai thác, có sự phục hồi nhanh sau dịch COVID-19, các lĩnh vực ngành nghề được Chính phủ ưu tiên khuyến khích như tín dụng xanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
VietinBank tiếp tục phát triển mạnh các giải pháp NH dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, đẩy mạnh chuyển dịch kênh thông qua đa dạng hóa SPDV, nâng cao trải nghiệm KH từ quản lý TK, mở thẻ trực tuyến, cho vay thấu chi online, thanh toán với hệ sinh thái đa dạng cho tới các DV tiện ích như TK số đẹp, biệt danh TK (Alias)… Triển khai nền tảng NH số eFAST mới cho gần 70% KH tổ chức của VietinBank, tích hợp toàn bộ các SP NH giao dịch như thanh toán, quản lý khoản phải thu/phải trả, quản lý thanh khoản, tài trợ thương mại, tài trợ chuỗi cung ứng... Mở rộng hệ sinh thái, tiến tới NH mở, cung cấp DV kết nối ERP DN, mở TK, mở thẻ của VietinBank trên ứng dụng của Grab, Shopee, Sendo…
Sau gần 5 năm nỗ lực triển khai phương án tăng VĐL, tháng 7/2021, VietinBank đã hoàn tất việc tăng VĐL 10,8 nghìn tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, VĐL đạt hơn 48 nghìn tỷ đồng, tạo tiền đề nâng cao năng lực tài chính, tạo đà tăng trưởng của VietinBank.
VietinBank đẩy mạnh công tác nhận diện sớm, xây dựng lộ trình đào tạo và phát triển toàn diện nguồn cán bộ cho các vị trí cán bộ quản lý (CBQL) cấp trung, cán bộ cấp chiến lược của VietinBank thông qua: (i) Đổi mới toàn diện công tác nhận diện, tạo nguồn cán bộ cho các vị trí CBQL cấp trung, tổ chức thi tuyển và đánh giá công khai, minh bạch ứng viên dự thi các vị trí Giám đốc/Phó Giám đốc chi nhánh, Trưởng phòng/Phó phòng Trụ sở chính; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ứng viên cân bằng 02 yếu tố về Năng lực và Chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo lựa chọn ứng viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhân sự của VietinBank; (ii) Tiếp tục triển khai Chương trình Top 500 tạo nguồn CBQL các cấp; (iii) Triển khai đào tạo Quản lý linh hoạt (Agile Management) cho đội ngũ CBQL cấp cao, cấp trung với mục tiêu thúc đẩy hiệu quả phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị, trao quyền chủ động, gắn kết nhân viên, nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực với năng lực thực thi nhanh.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện hoạt động, giám sát trách nhiệm người đứng đầu về việc thực hiện định hướng kinh doanh, tuân thủ quy định và chỉ đạo của VietinBank. Theo đó, VietinBank đã tổ chức 37 Đoàn kiểm tra kiểm soát nội bộ, 26 Đoàn kiểm toán nội bộ và tổ chức 5 Tổ công tác, 15 chuyên đề và kiểm tra giám sát thường xuyên, kịp thời nhận diện phát hiện các điểm trọng yếu trong việc thiết lập và duy trì môi trường kiểm soát của người đứng đầu tại đơn vị và các cán bộ chủ chốt, từ đó có các giải pháp phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường nhận thức, ý thức về văn hóa tuân thủ, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong HĐKD, tuân thủ quy định của VietinBank, bảo đảm mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả. Trong năm 2021, VietinBank đã tiếp Đoàn Kiểm toán nhà nước đối với pháp nhân VietinBank. Nội dung kiểm toán không ghi nhận vấn đề tồn tại liên quan đến vi phạm quy định pháp luật.
Năm 2021 là năm đầu tiên VietinBank thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 3 năm 2021 - 2023, công tác quản trị điều hành có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng chủ động, thúc đẩy tư duy quản lý linh hoạt, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, đồng thời bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương, có giám sát chặt chẽ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, sử dụng tối ưu hóa các nguồn lực, bám sát định hướng HĐKD của VietinBank, thực thi có kết quả các nhiệm vụ được giao, thúc đẩy tăng trưởng gắn với an toàn, hiệu quả.