Trong thông báo mới nhất gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã báo cáo mua thành công hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC của Công ty CP Cao su Sao Vàng (tương ứng 24,54% vốn), qua đó nâng sở hữu từ gần 6,9 triệu cổ phiếu lên hơn 14 triệu cổ phiếu, tương ứng 50,22% vốn SRC. Giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 29/11 - 1/12/2023.
Sau giao dịch, Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Cao su Sao Vàng. Xếp sau là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với việc sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 36% vốn SRC.
Đáng chú ý, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Cao su Sao Vàng đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Cổ đông này mua lượng cổ phiếu trên theo phương thức thỏa thuận từ 6 cá nhân bao gồm: Hơn 1,3 triệu cổ phiếu từ ông Hồ Viết Hùng, 1,3 triệu cổ phiếu từ bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ vợ ông Sơn), 550.000 cổ phiếu từ ông Nguyễn Tiến Dũng (bố vợ ông Sơn) và số lượng còn lại từ ông Nguyễn Tiến Ngọc, ông Nguyễn Huy Hùng và bà Trần Thị Thúy Hằng.
Qua đó, sau giao dịch, ông Hồ Việt Hùng giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,98% xuống còn 1,28% và không còn là cổ đông lớn tại Cao su Sao vàng; bà Nguyễn Thị Hồng và ông Nguyễn Tiến Dũng đồng loạt giảm sở hữu về 0%.
Mối lương duyên với Cao su Sao Vàng
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn được thành lập ngày 19/1/2001 bởi doanh nhân Phạm Hoành Sơn, có trụ sở chính đóng tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Sơn hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Tập đoàn, cũng là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Hoành Sơn là một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Xuất phát điểm là một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, sau hơn hai thập kỷ hoạt động, tới nay, Hoành Sơn đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như thương mại xi măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; sản xuất phân bón; điện mặt trời...
Cùng với quá trình phát triển, doanh nghiệp này cũng liên tục tăng vốn và mở rộng quy mô tài sản. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Hoành Sơn đang ghi nhận ở mức 2.000 tỷ đồng. Còn theo giới thiệu trên website, Hoành Sơn có tổng tài sản lên tới 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu USD.
Các cổ đông Tập đoàn Hoành Sơn thâu tóm Cao su Sao Vàng thế nào? (ảnh minh họa: Internet). |
Theo tờ Người quan sát, mối lương duyên giữa Tập đoàn Hoành Sơn và Cao su Sao Vàng bắt đầu từ năm 2016, khi Cao su Sao Vàng lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn để cùng thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn tại khu “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội) với diện tích khoảng 62.000m2. Đồng thời, Tập đoàn Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để Công ty CP Cao su Sao Vàng di dời nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng.
Theo đó, một pháp nhân để triển khai dự án đã được lập ra là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, còn Cao su Sao Vàng góp 26% vốn bằng nguồn vốn vay của Tập đoàn Hoành Sơn. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy ra Hà Nam sau đó đã bị dừng lại và dự án cũng dậm chân tại chỗ. Tại thời điểm 30/6/2023, Cao su Sao Vàng ghi nhận khoản đầu tư có giá trị ghi sổ 130 tỷ đồng vào Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.
Thông tin trên Người Đưa Tin, tại thời điểm Vinachem thoái vốn từ 51% xuống 36% hồi giữa năm 2019, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn đã liên tục “thâu tóm” gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC của Cao su Sao Vàng. Đến cuối năm 2019, tại đại hội đồng cổ đông bất thường của Cao su Sao Vàng, ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn được bầu vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sau đó không lâu, ngày 28/12/2019, ông Sơn chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng và đảm nhận vai trò này đến nay.
Ngoài Cao su Sao Vàng, Tập đoàn Hoành Sơn còn gây chú ý với thương vụ thâu tóm Cảng Phước An năm 2016. Cùng đó, doanh nghiệp này còn triển khai nhiều dự án xây dựng "khủng" khác tại quê nhà Hà Tĩnh như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng); Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng); Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (1.458 tỷ đồng)…
Mới đây nhất, Tập đoàn Hoành Sơn đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Khu đất này từng được quy hoạch là khu đô thị có quy mô 149,2ha, với tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD) do Công ty CP Vinhomes và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An trúng sơ tuyển hồi giữa năm 2020 nhưng sau đó đã có văn bản xác nhận không tiếp tục tham gia dự thầu.
Quay trở lại với Công ty CP Cao su Sao Vàng, về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023, Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu thuần đạt 709 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng cao, lợi nhuận sau thuế giảm 57%, chỉ đạt hơn 16 tỷ đồng...