Thậm chí, có người thân đau ốm, mất mát họ cũng không được về thăm, chịu tang. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, nhiều gia đình y bác sĩ phải chịu cảnh vợ, chồng, con cái, người thân, mỗi người mỗi nơi.
Suốt 2 tháng nay, chị Đoàn Thị Thanh Phương, điều dưỡng viên tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gần như ở luôn trong bệnh viện. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi hiếm hoi để gọi điện về nhà hỏi thăm, dặn dò con cái vài câu, rồi chị lại vội vã chăm sóc bệnh nhân.
Lúc nhớ con, nữ điều dưỡng Đoàn Thị Thanh Phương tranh thủ gọi điện qua Zalo để nói chuyện với con. |
Hai vợ chồng chị Phương ở ngoài Bắc vào Đà Nẵng lập nghiệp. Nội ngoại đều ở xa, chồng chị là bộ đội nên thường xuyên ở trong đơn vị, thi thoảng mới về nhà. Hai con, đứa lớn 15 tuổi, con gái út 9 tuổi phải ở nhà tự chăm sóc nhau. Chị Phương rơm rớm nước mắt, đêm nào cũng nhớ con không sao ngủ được. Chị lo lắng khi để con ở nhà không có ba mẹ, nhất là ban đêm, sợ có xảy ra chuyện gì. Nhớ con lắm nhưng mỗi lần có ca bệnh mới, chị Đoàn Thị Thanh Phương cố kìm nén để chăm lo bệnh nhân bởi họ đang cần chị.
“Nhắc đến chuyện này là ai cũng rơm rớm nước mắt. Bởi bao giờ có mẹ quan tâm thì cũng khác. Đứa nhỏ ngày nào cũng gọi hỏi bao giờ mẹ về, rồi đếm từng ngày một. Không có nhiều thời gian để gọi điện về nhà nữa. Vì đợt này có nhiều bệnh nặng diễn biến nên phải theo dõi nhiều. Có khi phải làm đến tận 11 giờ, 12 giờ đêm, có khi theo dõi bệnh nhân luôn cả đêm. Thời gian rảnh thì gọi điện về hỏi con ăn uống thế nào, hoặc tối dặn con khóa cửa cẩn thận trước khi đi ngủ", chị Phương cho biết.
Đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ, vết hằn sâu trên má của bác sĩ Hồ Thị Thuyên do phải thường xuyên đeo khẩu trang. Hoàn cảnh của chị Thuyên cũng rất éo le. Bố chị bị bệnh ung thư. Năm ngoái, chị đưa bố từ quê Nghệ An vào Đà Nẵng để điều trị và tiện chăm sóc. Lúc đó, dịch COVID-19 xảy ra, chị ở luôn trong bệnh viện, chồng chị cũng làm trong ngành xây dựng thường xuyên xa nhà. Không có ai chăm sóc bố và 2 con nhỏ, chị đành phải đưa bố về lại quê. Hai đứa con nhỏ của chị Thuyên cũng xin chuyển trường về học ở quê nhà. Ngày đầu đi học, cháu điện thoại cho mẹ kể bị các bạn trong lớp xa lánh vì cho rằng, từ Đà Nẵng về quê dễ lây bệnh. Nghe vậy mà chị thấy xót xa, thương con lắm nhưng không biết làm sao.
Bác sĩ Hồ Thị Thuyên, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gọi điện qua Zalo để nói chuyện với con của mình. |
Hai năm nay, căn nhà của bác sĩ Thuyên thường xuyên “cửa đóng then cài”. Lúc chồng về thì chị trực trong bệnh viện. Lúc chị được về nhà thì chồng chị lại đi công tác. Bây giờ, chị cũng đã quen dần với cảnh xa chồng con. Nhắc đến chuyện điều trị bệnh nhân, bác sĩ Hồ Thị Thuyên nhớ mãi ngày đầu tiếp xúc điều trị bệnh nhân COVID-19: “Kỷ niệm thật sự không bao giờ quên, khi điều trị BN1536 trở nặng, phải cõng bà đi. Lúc đó cũng chẳng nghĩ đến nguy hiểm như thế nào, đôi khi mình có thể bị lây bệnh. Mấy ngày sau mình bị sốt liên tục, do mệt quá. Sau đó phải đi xét nghiệm và tự cách ly, rất may không bị mắc COVID-19. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên được".
Gần 2 tháng ở trong khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, những giây phút để các y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chợp mắt, nghỉ ngơi sau ca làm việc thâu đêm cũng thật hiếm hoi. Họ cùng nhau ăn những bữa cơm vội, giấu nỗi nhớ con thơ, người thân gia đình vào trong để lo chữa trị cho người bệnh. Thế nhưng, họ cũng có những giây phút vui vẻ ngắn ngủi bên nhau. Ngày 23/6 vừa rồi là ngày sinh nhật của một nữ điều dưỡng. Mọi người đặt chiếc bánh kem sinh nhật, đến khi thổi nến do ai cũng phải bịt khẩu trang nên không sao thổi nến được. Vậy là phải lấy giấy bìa quạt tắt nến. Kỷ niệm hiếm hoi, chóng vánh ấy thật khó quên, giúp mọi người vơi đi nỗi nhớ nhà và mệt mỏi trong những ngày căng mình chống dịch COVID-19.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, hầu hết, y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện đều còn trẻ, xa quê. Từ đợt dịch đầu tiên năm ngoái, họ đã phải xa chồng, con cả tháng trời ở trong bệnh viện. Nhiều trường hợp, cả 2 vợ chồng cùng làm việc tại bệnh viện. Lúc chồng trực, vợ được ở nhà, lúc vợ vào trực thì chồng về, vậy là có khi vài tháng trời họ không được gặp nhau. Năm ngoái, có trường hợp bố chồng của một nữ bác sĩ qua đời nhưng chị không thể về chịu tang vì phải ở trong bệnh viện.
Bác sĩ Lê Thành Phúc chia sẻ, ngày Gia đình Việt Nam năm nay, hầu như không có ai được gặp mặt đông đủ các thành viên trong gia đình. Thậm chí chồng, vợ, con cái của họ mỗi người phải ở một nơi. "Không còn cách nào hơn, chúng tôi lấy niềm vui chữa trị bệnh nhân COVID-19 thay cho niềm vui đoàn tụ gia đình. Nhiều gia đình cả tháng, 2 tháng không gặp nhau. Như vậy, Ngày Gia đình Việt Nam la ngày chúng ta tôn vinh hạnh phúc gia đình, nhưng đồng thời là sự mất mát, thiệt thòi, khó khăn với họ. Chúng ta chia sẻ với họ, đó là trách nhiệm lớn của họ để chúng ta tôn vinh".