Nghịch lý khu đô thị mới bỏ hoang la liệt lại vắng đô thị công nghiệp
Trong tham luận tại hội thảo về nhà ở công nhân mới diễn ra, ông Trần Trung Chính - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng chỉ ra một thực tế, đó là sự phát triển tràn lan đô thị mới nhưng thiếu đô thị công nghiệp ở Việt Nam.
"Từ các vùng công nghiệp, hình ảnh hàng chục vạn gia đình công nhân bồng bế nhau chạy cả nghìn cây số suốt ngày đêm, vượt bao con sông, đèo dốc, nắng lửa... trở về quê hương", ông Chính cho rằng cuộc di tản khổng lồ này đặt ra nhiều câu hỏi cấp thiết.
Trong số đó, có vấn đề đặt ra: Vì sao nhiều gia đình công nhân đã sinh sống nhiều năm tại các khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu các điều kiện sống thiết yếu để tin cậy gắn bó, trụ lại với nó?
Chuyên gia nêu bất cập khi phát triển tràn lan đô thị mới nhưng thiếu đô thị công nghiệp (Ảnh: Becamex). |
"Tại sao trong số hơn 850 các loại đô thị được xếp hạng hiện nay, thậm chí nhiều khu đô thị mới bỏ hoang, lại vắng bóng loại đô thị công nghiệp, khu đô thị công nghiệp, và đa số công nhân vẫn ở trọ trong nhà nông dân?", ông Chính nêu.
Cũng theo vị chuyên gia, đô thị công nghiệp và nhà ở công nhân như "một sinh thể" không thể tách rời. Đưa ra các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp, ông Chính cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, đối với việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha). "Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân KCN cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng", ông Hưng cho biết.
Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, có khoảng 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 sẽ phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở (tương đương 840.000 người).
Để người lao động có nhà ở
Đề cập đến việc thiếu nhà ở cho phân khúc này, ông Hà Quang Hưng nêu nhiều nguyên nhân. Trong đó có thực tế là một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp...
Thời gian sắp tới, ông Hưng cho biết Bộ Xây dựng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước, trong đó có nội dung về nhà ở xã hội (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang…).
Trong khi đó theo TS. Phạm Văn Khánh - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam - để phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp đáp ứng cơ bản nhu cầu và có giá phù hợp với khả năng chi trả thì cần có các giải pháp liên quan đến tài chính một cách đồng bộ.
Cụ thể, ông Khánh cho rằng, để giảm giá nhà ở công nhân khu công nghiệp bằng cách tăng nguồn cung thì nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, cần có các chính sách khuyến khích người dân gần khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh đến việc giảm chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân. Hiện nay nhà nước đã có chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp, tuy nhiên thời gian và thủ tục liên quan để có đất xây dựng nhà ở công nhân (bao gồm cả xây dựng hệ thống hạ tầng) còn dài và nhiều. Nếu rút ngắn thời gian và giảm các thủ tục này thì sẽ giảm chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân.
Tiếp theo cần giảm chi phí liên quan đến xây dựng bằng việc có chính sách thưởng phù hợp cho nhà thiết kế khi thiết kế làm giảm giá thành xây dựng, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương với giá cả và chất lượng phù hợp, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng như sử dụng các cấu kiện sản xuất sẵn để lắp ghép...
Ngoài ra theo ông Khánh, bên cạnh việc cho vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng như hiện nay thì nhà nước cần có chính sách khuyến khích để phát triển nhiều tổ chức cho vay để phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà nước cũng cần miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xây dựng và quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp.
Đồng thời giảm chi phí phát sinh do thủ tục hành chính rườm rà. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp...