Hãng Reuters đưa tin, nhà báo Jamal Khashoggi đã mất tích sau khi ông vào Lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanul hai tuần trước để lấy giấy tờ là thủ tục kết hôn với hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ của mình.. Khi đó, ông mới từ thủ đô Washington D.C của Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ được 48 tiếng đồng hồ. Nhà báo này được cho là đã "chạy trốn khỏi Arab Saudi" và tới Mỹ xin cầu cứu hồi năm ngoái vì lo sợ bị trả thù do có những quan điểm trái người với chính quyền Riyadh.
Lễ tưởng niệm nữ phóng viên truyền hình Bulgaria Viktoria Marinova được tổ chức tại thị trấn Ruse tối 8-10. |
Tháng 9 vừa qua, ông quyết định về Thổ Nhĩ Kỳ cùng hôn thê của mình. Là một nhà báo tự do, Jamal Khashoggi vừa làm cho tờ Washingtonpost, vừa viết thêm cả cho tờ The Guardian của Anh. Trong hơn ba thập kỷ qua, Jamal Khashoggi đã sử dụng ngòi bút của mình để ủng hộ cải cách xã hội và chính trị ở Arab Saudi nói riêng và Trung Đông nói chung.
Mới hơn một năm trước, trong cột đầu tiên của tờ Washingtonpost, Jamal Khashoggi đã viết về nỗi đau khổ của mình sau một làn sóng bắt giữ bao gồm một vài người bạn của ông và giải thích rằng sự đàn áp ở quê nhà đã khiến ông quyết định sống lưu vong. Cũng theo hãng tin Reuters thì hôm 4-10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Saudi Arabia tại Ankara để tham vấn về việc nhà báo Jamal Khashoggi, mất tích.
Đến ngày 9-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy cho biết, mặc dù Công ước Vienna nêu rõ các tòa lãnh sự được hưởng quyền miễn trừ, nhưng chúng có thể bị giới chức nước chủ nhà khám xét với sự đồng ý của người đứng đầu phái bộ này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tòa lãnh sự Saudi Arabia sẽ bị khám xét trong khuôn khổ cuộc điều tra".
Cho đến nay, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ được đoạn băng video ghi lại từ camera trên đường cao tốc trong đó có hình ảnh một chiếc xe màu đen được cho là chở thi thể nhà báo Jamal Khashoggi bị giết. Theo các điều tra viên, chiếc xe màu đen nằm trong 6 chiếc thuộc về nhóm người Saudi Arabia được cho là đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo này.
Đoàn xe này đã rời Tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul 2 giờ sau khi ông Jamal Khashoggi bước vào lãnh sự quán và chia làm 2 ngả, 3 chiếc rẽ trái và 3 xe còn lại rẽ phải. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã thúc giục chính quyền Riyadh giải thích những chuyện đã xảy ra với nhà báo nhưng câu trả lời mà họ nhận được vẫn chỉ là "không có liên quan đến vụ việc".
Trước vụ việc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự quan ngại và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Arab Saudi phải tổ chức một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc.
Trong khi đó, tại Bulgaria, cảnh sát cho biết đã tìm thấy thi thể của nữ phóng viên truyền hình 30 tuổi Viktoria Marinova ở gần một con hẻm chạy bộ bên bờ sông Danube, thuộc thị trấn Ruse, phía Bắc của Bulgaria hôm 6-10. Thi thể của nữ nhà báo xấu số được tìm thấy trong trạng thái mất một phần quần áo, điện thoại di động, chìa khóa xe, kính và một số tư trang cũng đều biến mất.
Kết quả khám nghiệm tử thi công bố ngày 8-10 cho thấy, nữ nhà báo xấu số sau khi bị cưỡng hiếp, đã bị đánh và đạp liên tiếp vào đầu, dẫn tới ngạt thở rồi tử vong. Viktoria Marinova là một người dẫn chương trình, một biên tập viên duyên dáng của đài TVN - một trong những kênh truyền hình nổi tiếng nhất ở Đông Bắc Bulgaria. Thời gian gần đây, cô được lãnh đạo đài cho thực hiện một chương trình có tên gọi là "Detector".
Trước khi mất tích một cách bí hiểm rồi bị sát hại, nữ phóng viên này đang thực hiện loạt phóng sự điều tra về tham nhũng, sử dụng sai các khoản tiền tài trợ của EU. Vì vậy, người ta đang nghi ngờ rằng cái chết của Viktoria Marinova có liên quan đến loạt phóng sự điều tra nói trên…
Nhà báo Jamal Khashoggi đã mất tích sau khi ông vào Lãnh sự quán Arab Saudi tại Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ. |
Trước những thông tin kinh hoàng này, đại diện tự do truyền thông của tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Harlem Desir và Uỷ ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) đã bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu nhà chức trách Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ sớm có câu trả lời rõ ràng cho hai vụ việc này. Tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sĩ) thì cảnh báo, cho biết số nhà báo bị sát hại trên thế giới trong 9 tháng đầu năm nay tăng 57% so với cùng kỳ năm 2017.
PEC đã kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng của các nhà báo như tiến hành các cuộc điều tra độc lập kết hợp với những cuộc điều tra khác để đưa thủ phạm của các vụ sát hại nhà báo ra xét xử. Thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) cho hay, số lượng nhà báo, phóng viên điều tra thiệt mạng do bị giết tại khắp nơi trên thế giới trong năm 2017 là gần 60 người.