Những ngày này, làng cá nướng Hộ Độ lúc nào cũng nhộn nhịp. Các bếp than hồng đỏ lửa hết công suất, mùi cá nục, cá trích… thơm lừng toả ra từ các liếp cá săn chắc, vàng ươm đã thu hút được nhiều thực khách tới tham quan, mua hàng.
Nướng cá là nghề truyền thống đặc trưng của làng biển Hộ Độ. |
Nghề nướng cá bằng than hoa đã gắn liền với người dân xã Hộ Độ từ hàng chục năm nay. Đây không chỉ là nghề truyền thống đặc trưng của làng biển, nó còn là “cần câu cơm” nuôi sống người dân từ bao đời nay.
Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Hoa (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), cho biết: “Nghề nướng cá tuy vất vả, ngày nào cũng lấm lem than khói, nhưng mang lại thu nhập ổn định. Nhờ nghề này, tôi đã cho hai đứa con ăn học đàng hoàng…”.
Quá trình nướng, cần phải giữ lửa than đượm đều để cá chín từ từ, có màu vàng đẹp mắt và không bị cháy. |
Để món cá nướng thu hút nhiều khách hàng, người nướng cá cần phải chọn những loại cá còn tươi, nướng cá phải đều tay nếu không sẽ bị cháy, thường thì 10 - 15 phút là nướng xong 1 mẻ. Đặc biệt, cá nướng Hộ Độ không được tẩm gia vị, khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được rõ vị "ngọt tinh khôi" từ những thớ cá và vị béo từ lớp da vàng óng bên ngoài.
Với hơn 40 năm trong nghề, bà Vương Thị Loan (56 tuổi, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), chia sẻ: “Tôi được mẹ truyền nghề khi 15 tuổi. Gia đình tôi có điều kiện, thu nhập ổn định như hiện nay cũng là nhờ vào nghề “nướng cá” bao nhiêu năm nay…”.
Nguyên liệu tươi, được nướng bằng than củi nên cá giữ được vị thơm ngon đặc trưng vốn có. |
“Mỗi ngày tôi nướng và bán ra khoảng 300 con cá. Thời điểm dịp Tết hay ngày đầu năm, lượng khách mua nhiều hơn. Mỗi con cá được bán dao động từ 30-35 ngàn đồng”, bà Loan, cho biết thêm.
Nhờ vào thương hiệu, cũng như hương vị đặc trưng, cá nướng Hộ Độ không chỉ được bán trong huyện, trong tỉnh mà giờ đây nó còn được thực khách trong Nam, ngoài Bắc đặt hàng làm món ngon ngày Tết và dùng để làm quà biếu mỗi dịp Tết đến xuân về.