Từ sáng sớm, gia đình ông Võ Hoàng Sương (ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng) đã thu hoạch hơn 6 tấn cá mè, cá chép trên 7ha ruộng của gia đình. Mỗi mẻ lưới, ông Sương thu được 1,5 tấn cá mè, cá chép. Hiện cá chép bán ngay tại ruộng có giá 16.000 đồng/kg, cá mè 7.000 đồng/kg, gia đình ông Sương thu lãi trên 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nông dân tất bật thu hoạch vụ cá ruộng ngày giáp Tết (Ảnh: Ngọc Quyên). |
Theo ông Sương, cá nuôi trên ruộng mùa lũ chỉ tốn tiền con giống, lưới thì mua một lần xài 2-3 vụ, chả phải cho ăn bởi tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trên ruộng như lúa chét, rơm rạ, rong...nên chỉ phụ thuộc con nước. Năm 2017 là năm thứ 5 gia đình ông Sương nuôi cá ruộng mùa lũ.
“Tháng 6 mần lúa hè thu xong thì bửa đập đón nước lũ vô. Cá giống mua về vèo dưới kênh chừng 20 ngày thì thả ra ruộng. Từ đó cho đến khi thu hoạch chả cần mua thức ăn cho cá, chỉ cần thăm chừng, chỗ nào lưới rào quanh ruộng bị chuột cắn hay hỏng chân thì ém lại. Cá nuôi chừng 3-4 tháng thì được thu hoạch” - ông Sương nói.
Nuôi cá ruộng không tốn tiền thức ăn chỉ phụ thuộc vào con nước (Ảnh: Ngọc Quyên). |
Mùa lũ năm 2017, xã Hòa Lợi có khoảng 50 hộ nuôi 105ha cá ruông mùa lũ, chủ yếu tập trung ở các ấp Hòa A, Hòa B, Hòa Bình, Hòa Hiệp trên nền đất thấp, lung, bàu. Năm nay sản lượng cá ruộng nuôi mùa lũ tăng lên nhiều. Nếu mọi năm cá ruộng nuôi chỉ khoảng 300kg/ha thì năm nay đạt 1-1,5 tấn/ha tùy khu vực nuôi.
Anh Nguyễn Văn Giữ (ngụ ấp Hòa A, xã Hòa Lợi) vừa thu hoạch cá nuôi trên 10 công (gần 1,300m2) ruộng, lãi 6 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Anh Giữ cho biết: “Ở đây là vùng đất thấp nên làm lúa vụ 3 không năm nào có lãi, trong khi nuôi cá mùa lũ lại hiệu quả”.
Lũ lớn, nông dân trúng mùa cá ruộng
Ông Nguyễn Văn Buôl, một thương lái thu mua cá tại huyện Giồng Riềng, cho biết: “Năm nay thấy bà con nuôi cá ruộng mau lớn hơn mọi năm. Mấy ruộng năm trước thất nhưng năm nay kéo mỗi lưới 1-2 tấn cá, có hộ nuôi thu về hơn chục tấn cá ruộng. Cá mè, cá chép nuôi tự nhiên trên ruộng thịt ngọt nên được thị trường ưa chuộng. Cá mè thu mua xong sẽ được tiêu thụ ở An Giang, Đồng Tháp, còn cá chép thì tiêu thụ ở thị trường TP.Hồ Chí Minh”.
Mùa lũ năm 2017, gia đình anh Trương Văn Út Em (ngụ ấp Hòa Hiệp, xã Hòa Lợi) không sạ lúa vụ 3 mà sử dụng hơn 2ha đất ruộng để nuôi cá mùa lũ. Cuối vụ, anh Út Em thu lãi 11 triệu đồng sau khi thu hoạch được hơn 1,5 tấn cá chép, cá mè thương phẩm.
Anh Út Em cho biết: “Năm nay nước lớn nên cá ruộng nuôi mau lớn hơn mọi năm. Mô hình này được tôi duy trì hiệu quả 5 năm qua, giúp gia đình có thu nhập mỗi khi lũ rút và đủ chi phí cho việc gieo sạ vụ lúa đông xuân. Từ hồi nuôi cá ruộng mùa lũ, thấy lúa đông xuân năm nào cũng ít sâu bệnh, nhẹ chi phí và trúng hơn”.
Nông dân bội thu vụ cá ruộng ngày giáp Tết (Ảnh: Ngọc Quyên). |
Theo ông Nguyễn Văn Thình - Phó Chủ tịch UBND Hòa Lợi, nuôi cá ruộng vào mùa lũ có ở xã từ năm 1999 đến nay. Riêng mùa lũ 2017, toàn xã nuôi cá ruộng được 105ha, năng suất đạt từ 1-1,5 tấn/ha cá thương phẩm, cho lợi nhuận bình quân 8 triệu đồng/ha.
“Việc hạn chế sản xuất lúa vụ 3 để chuyển sang nuôi cá ruộng mùa lũ nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đã được Đảng ủy xã đưa vào nghị quyết hàng năm để vận động người dân thực hiện. Việc mở đồng đón lũ để lấy phù sa có tác dụng nhấn chìm, tiêu diệt nhiều loại ký sinh có hại, chuột...tạo điều kiện cho đất tiếp nhận phù sa, người nông dân giảm được chi phí sản xuất vào mùa vụ tới” - ông Thình thông tin thêm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Giồng Riềng, mùa lũ năm 2017, người dân địa phương không sản xuất lúa vụ 3 và thả nuôi cá trên 1.300ha cá ruộng, tập trung ở các xã Hòa Lợi, Hòa Hưng, Hòa Thuận, Thạnh Phước, Ngọc Thuận... sản lượng ước đạt gần 1.200 tấn cá.