BS Phan Minh Trí kiểm tra chức năng vận động chân của bé Th. sau mổ. Ảnh: K.Q . |
Chăm sóc con tại bệnh viện, mẹ bé - chị Nguyễn Thị Sàng kể lại, khoảng 2 năm trước bé Th. bị phát hiện bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (ung thư máu) và được điều trị ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM. Sau khi hóa trị lần thứ 4, bé được xuất viện và cho về nhà nghỉ ngơi. Về nhà, sức khỏe bé rất tốt.
Trong một lần đạp xe đi chơi, bé bị ngã và chỉ bị xây sát nhẹ. Cả nhà cứ nghĩ cú ngã không để lại hậu quả gì: “Vậy mà 3-4 ngày sau, thằng bé than đau vai phải. Tui đưa đi khám bác sĩ bệnh viện gần nhà thì họ kêu là bị chấn thương sụn, cho thuốc uống 4-5 ngày mà không hết. Vài ngày sau, bé than mỏi và bất ngờ không đi tiểu được. Cả nhà hốt hoảng khi thấy con ngã khuỵu xuống, chân không còn cảm giác gì nữa. Gia đình vội vã cho con nhập Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, sau đó, ca bệnh của cháu được hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1”.
BS Phan Minh Trí, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - người trực tiếp phẫu thuật cho bé Th. - cho biết, vào tuần trước, anh được Bệnh viện Truyền máu Huyết học mời qua hội chẩn liên viện.
Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ cháu Th. bị tái phát bệnh ung thư máu, vùng tủy bị ảnh hưởng và xâm lấn vào hệ thần kinh trung ương gây tình trạng bí tiểu và liệt chân. Tuy nhiên, sau khi thăm khám và chụp MRI kiểm tra toàn bộ vùng não, cột sống, thắt lưng, các bác sĩ đã xác định bé bị dập tủy và tụ máu ngoài màng cứng vùng 3 đốt cột sống. Đây mới chính là nguyên nhân chứ không phải căn bệnh ung thư máu.
BS Phan Minh Trí kể lại: “Kết quả hội chẩn cho thấy bé bị dập tủy và tụ máu ngoài màng cứng chèn ép hệ thần kinh. Khi tôi tiếp xúc với bé Th, bé cho biết bị dị cảm (tê và gần như không có cảm giác) từ vùng ngực xuống chân. Hai chân gần như liệt và không đi tiêu tiểu được, phải đặt ống thông tiểu. Tôi nghĩ cần phải phẫu thuật giải phóng tủy ngay cho bé, nếu chần chừ, vùng máu tụ sẽ chèn ép nhiều hơn khiến nhiều cơ quan bị ảnh hưởng và rất khó phục hồi”.
Là một bác sĩ làm việc hơn 20 năm ở khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Đây là kiểu sang thương đầu tiên mà tôi gặp. Với một tai nạn nhỏ như bé Th rất hiếm khi gây ra tình trạng dập tủy và tụ máu ngoài màng cứng như vậy. May mắn, các bác sĩ đã không bị bệnh lý nền của bé đánh lạc hướng mà tìm ra đúng nguyên nhân, điều trị kịp thời”.
BS Phan Minh Trí giải thích thêm, chấn thương cột sống đa phần gặp ở người lớn bởi liên quan đến cơ chế chấn thương như tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc do đánh nhau. Trẻ con rất ít khi bị chấn thương này. Mặt khác, ở trẻ em, cột sống có cơ chế sinh lý thích nghi với các chấn thương này tốt hơn người lớn.
Nếu có cơ chế tác động thường là chỉ gây dập tủy chứ ít khi nào xảy ra hiện tượng tụ máu ngoài màng cứng vùng tủy. Y văn thống kê, trong 1.000 ca chấn thương cột sống ở cả người lớn và trẻ em có phẫu thuật thì chỉ có 10 ca tụ máu ngoài màng cứng (tức là không đến 1%). Như vậy, trường hợp xảy ra dập tủy, tụ máu ngoài màng cứng trên bệnh lý ung thư máu như bé Th là rất hiếm gặp.
Ca mổ xuyên đêm
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định ngay lập tức bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chiều ngày 18.5 để làm thủ tục phẫu thuật. 23 giờ đêm, ê-kíp gồm 3 bác sĩ ngoại thần kinh, 2 bác sĩ gây mê và 2 phẫu thuật viên tiến hành ca mổ cho bé Th. Ca mổ kéo dài 4 tiếng, đến 3 giờ sáng hôm sau, các bác sĩ mới buông dao, kết thúc ca mổ. Ê-kíp mổ đã mở 3 đoạn đốt sống, lấy khối máu tụ, giải phóng chèn ép tủy.
Theo BS Trí, vì bé mang bệnh nền ung thư máu nên điều lo ngại nhất là có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu vết mổ và nhiễm trùng sau mổ. Tuy nhiên, ca mổ diễn ra tốt đẹp và kết quả phẫu thuật khá khả quan. Chỉ 1-2 ngày sau, sức cơ của bé đã cải thiện gần như hoàn toàn và bé đã tự đi tiểu bình thường.
BS Đào Trung Hiếu cho rằng, bé hồi phục tốt là do được các bác sĩ Bệnh viện Truyền máu huyết học chẩn đoán đúng tình trạng bệnh, được mổ cấp cứu kịp thời, đúng thời điểm “vàng”. Với một sang thương mơ hồ, nếu không chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời, vùng máu tụ chèn ép lớn sẽ gây chấn thương nặng, rất khó hồi phục. Em bé có thể bị liệt hoàn toàn, thậm chí liệt cả đường tiểu và không đi đại tiện được. Bé có thể phải đối diện với nguy cơ mở bọng đái và hậu môn ra da. Việc chăm sóc rất vất vả. Nghiêm trọng hơn là bé tự ti, không hòa nhập với bạn bè hoặc không đi học được, ảnh hưởng cả cuộc đời của bé.
BS Trí cho biết, thời gian tới, bé Th. sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu để hồi phục hoàn toàn, đồng thời theo dõi vấn đề đau cột sống sau mổ. Tuy nhiên đến nay mọi việc đều diễn tiến rất thuận lợi.