Ngỡ như việc tác quyền nhạc Trịnh trong chương trình Live Concert Khánh Ly in Viet Nam sẽ khép lại sau khi có sự vào cuộc “hòa giải” của Thanh tra Bộ VH-TT&DL và số tiền cũng đã được chốt lại, nhưng sự việc lại một lần nữa xôn xao khi ca sĩ Khánh Ly công bố bút tích viết tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng các bài hát của mình với giá 5.000 USD.
Ca sĩ Khánh Ly. |
Nhận định về giấy viết tay này, nhạc sĩ Phó Đức Phương – giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – cho rằng nội dung khá mơ hồ khi không có thời hạn, không có phạm vi cụ thể… nên không khẳng định được điều gì có liên quan đến những ồn ào về tác quyền giữa VCPMC và công ty Đồng Dao trong thời gian qua. Đó là chưa kể, những gì có trong giấy viết tay đó có thể chỉ là dành cho một chương trình cụ thể nào đó mà không có hàm ý là tất cả các chương trình trong thời hạn vĩnh viễn.
“Ngoài ra, xét ở góc độ một nhạc sĩ lẫn một người làm công tác bảo vệ tác quyền âm nhạc, tôi thấy việc công bố tờ giấy này của Khánh Ly có thể hiểu là mình có quyền không tuân thủ tác quyền?!”, ông nói.
Cũng theo thông tin từ VCPMC, nhiều năm nay ngay cả trung tâm Thúy Nga Paris ở hải ngoại cũng trả tác quyền ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho việc sao chép băng đĩa, trong đó có cả Khánh Ly biểu diễn trên sân khấu. Riêng với việc tổ chức biểu diễn ca khúc trước công chúng, đơn vị này cũng chi trả thông qua hai tổ chức bảo vệ tác quyền tại Mỹ mà VCPMC đã ký hợp đồng song phương.
Văn bản viết tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đồng ý cho Khánh Ly sử dụng các ca khúc của ông. |
Ở một góc độ nào đó, tính pháp lý của giấy viết tay mà ca sĩ Khánh Ly công bố khá quan trọng trong vấn đề tác quyền nhạc Trịnh gây ồn ào những ngày qua, bởi, nếu nội dung trong đó được xác nhận rằng ca sĩ Khánh Ly có thể sử dụng tất cả các ca khúc của ông ở bất kỳ đâu, bất kỳ chương trình nào trong khoảng thời gian không xác định thì mọi thứ sẽ khác, không có chuyện Đồng Dao phải trả tiền cho VCPMC.
Theo Luật sư Lê Quang Vy – Văn phòng luật Việt Long Thăng, điều này là không thể nếu căn cứ vào nội dung quá sơ sài trong giấy. “Đó là chưa kể phải xác định xem người sử dụng trong chương trình đó là ai, là Khánh Ly hay công ty Đồng Dao. Ở góc độ của VCPMC, họ hoàn toàn có quyền cho rằng đối tượng sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn ở đây là Đồng Dao, và trong thời gian qua họ chỉ đòi tiền tác quyền từ đối tượng này mà không phải Khánh Ly, thì dù nội dung giấy viết tay kia có là hợp pháp đi nữa cũng không liên quan”, ông Lê Quang Vy phân tích.
Xung quanh sự việc này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng ở hãng luật Giải Phóng phân tích với Một Thế Giới cho rằng văn bản này không có giá trị pháp lý.
Theo luật sư Hưng, thời điểm lập văn bản này là năm 2000, nên giao dịch này chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 1995. Theo bộ luật này, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền chuyển giao một phần hoặc toàn bộ các quyền tài sản cho người khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Vì vậy, giao dịch giữa cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly cũng phải tuân thủ quy định này. Bút tích lập ngày 22/5/2000 của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rất chung chung, không tuân thủ hình thức của giao dịch là hợp đồng quy định tại điều 767 bộ luật này, nên không có giá trị.
Mặt khác, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã chết, nên giao dịch này đã chấm dứt. Bút tích bản tiếng Anh có công chứng không có giá trị về nội dung, vì nó chỉ là bản dịch công chứng.