Tàu ngầm Project 636 có tên "Varshavyanka". |
Xin nói thêm rằng hiện nay các xí nghiệp chế tạo vũ khí của Nga thực sự tràn ngập đơn đặt hàng của nước ngoài. Nhưng công tác chính yếu là thực hiện đơn đặt hàng dành cho quân đội và hải quân Nga, rồi chỉ sau đó mới đến lượt khách hàng nước ngoài. Việc đóng tàu ngầm cho Việt Nam là trường hợp đặc biệt, khi đơn đặt hàng của nước ngoài được đưa lên hàng đầu trong kế hoạch thực hiện.
Đàm đạo với phóng viên đài Tiếng nói nước Nga (VOR), nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin giải thích: “Thành lập hạm đội tàu ngầm là nhu cầu từ lâu của Việt Nam. Bất kỳ quốc gia nào có ranh giới giáp biển mà lại thiếu tàu ngầm, thì nước đó sẽ đứng trước nguy cơ an ninh. Tàu ngầm có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mà hạm đội nổi không thể làm được. Các tàu nổi dễ dàng lộ diện khi quan sát từ máy bay, từ máy bay không người lái UAV hoặc từ vũ trụ. Còn tàu ngầm lặn ở độ sâu 50 mét thì các khí cụ theo dõi quang học hầu như không thể phát hiện”.
"Varshavyanka" (Kilo) là tàu ngầm thuộc loại tiên tiến nhất thế giới. Chiều dài tàu là 74 mét, chiều rộng: 10 mét. Mức lặn sâu: 300 mét. Tốc độ di chuyển dưới nước lên đến 37 km/h. Tàu ngầm Varshavyanka có thể hoạt động đến 45 ngày đêm. Trong bộ trang bị của tàu ngầm có các tổ hợp tên lửa "Club” đủ khả năng đánh mục tiêu từ khoảng cách đến 300 km. Tính năng đặc biệt độc đáo của các tàu ngầm này là tiếng ồn cực thấp, gây khó khăn tối đa cho các phương tiện theo dõi thủy âm học của đối phương. Không ngẫu nhiên mà các chuyên viên phương Tây đã gọi "Varshavyanka" là những "hố đen trong lòng đại dương".
Hai trong số các tàu ngầm theo hợp đồng đã được đóng xong và trải qua các đợt thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm cấp nhà nước một cách xuất sắc, thực hiện thành công nhiều chuyến lặn sâu. Đến cuối tháng Bảy tại Saint-Peterburg sẽ bắt đầu khóa huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nga, một Trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm Việt Nam tại Cam Ranh sẽ được thành lập.
Tới tháng 9/2013, phía Nga dự kiến chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu ngầm đầu tiên, còn đến cuối năm cả chiếc thứ 3 cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm.
Đến năm 2016, toàn bộ 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện Project 636 sẽ được đưa vào phục vụ trong biên chế Hải quân Việt Nam.