Trước mắt mình, cảnh sắc xứ này hiện ra toàn mỹ như một tác phẩm non bộ size khủng, được chế tác bởi một nghệ nhân tài hoa và tỉ mẩn bậc nhất. Trong tác phẩm ấy có dáng vẻ trầm ngâm của những gốc tùng già, có nét hồng tươi ánh lên từ rặng anh đào trái mùa, có sắc rực đỏ lượn bay trên muôn trùng tán lá thu, có “hàng cây khô cành bơ vơ” vươn lên trong ráng hồng của buổi chiều tà...
Shirakawago - ngôi làng cổ tích dưới chân núi Hakusan với những nếp nhà mái rạ. Ảnh: Trọng Vy
Bọn mình chẳng cần ròng rã qua những chặng đường dài mới đến được một danh thắng nào đó. Danh thắng luôn bủa vây xung quanh, suốt dọc đường đi, trôi ngay bên ngoài cửa ô tô như những thước phim trên kênh Discovery. Mình cứ ước giá mà có một cái nút pause hình để có thể liên tục nhấn vào... Nhưng cần có quỹ thời gian chừng vài tháng trời mới thoả sức mà “pause”. Bọn mình thì có vài ngày thôi nên chỉ có thể “pause” tại các điểm đến trong lịch trình...
Đó là làng Obara, nơi có 10.000 gốc đào tứ quý nở hoa ngay cả giữa mùa thu đan xen với rừng phong đỏ rực soi bóng xuống dòng Tomoe. Đó là Shirakawago - ngôi làng cổ tích dưới chân núi Hakusan với những nếp nhà mái rạ có tuổi đời vài trăm năm rêu phủ xanh rì. Đó là phố cổ Takayama, nơi bảo tồn một quần thể kiến trúc vô giá có từ thời Edo.
Nhà mình cũng dừng chân ở nông trại wasabi lớn nhất Nhật Bản để rồi bị thôi miên trước những cánh đồng wasabi xanh mướt uốn lượn trên dòng nước trong vắt chảy quanh co... Và tất nhiên, không thể không ghé thăm Phú Sĩ - nóc nhà của xứ Phù Tang mùa này đã trắng tuyết, sáng lấp lánh dưới nắng thu.
“Hòn non bộ size khủng” made in Japan đã khiến mình thực sự bị đốn tim. Nhưng các chủ nhân của nó còn đáng ngưỡng mộ hơn nhiều... Lần nào check out xong ra xe mình cũng thấy gần như toàn bộ nhân viên khách sạn, từ giám đốc cho tới bồi bàn ra đứng xếp hàng tiễn khách. Và họ cứ đứng đó vẫy tay hoài cho đến khi xe đi khuất hẳn... Ở các nông trại hay xưởng thủ công cũng vậy. Họ tiễn khách đến tận xe, tặng quà cho từng người, nói lời cảm ơn rồi đứng vẫy tay mãi...
Nhân viên các nhà hàng, quán xá ai nấy thường trực một nụ cười và động tác cúi chào gập người. Và mỗi khi khách vào phòng, bỏ giày dép bên ngoài thì họ luôn cúi xuống xếp lại từng đôi ngay ngắn, mũi quay sẵn ra ngoài để khi quay ra khách chỉ việc xỏ chân vào. Mà phần đông những người làm công mình gặp đều đã có tuổi, thậm chí là tuổi “xưa nay hiếm”. Hoá ra họ đi làm không phải vì cần tiền, mà chủ yếu để thấy mình vẫn hữu ích và để làm gương cho con cháu nữa.
Thiên nhiên mùa thu ngự trị trên khắp một vùng rừng núi trập trùng. Ảnh: Trọng Vy
Bạn hướng dẫn viên người Việt kể cho bọn mình nghe câu chuyện thế này. Trước cổng nhà bà cụ hàng xóm của bạn có trồng một cây táo và mấy sinh viên người Việt hay ra đấy hái trộm. Rồi bỗng dưng bà cụ chặt cây táo. Bạn mới thắc mắc sao cây đang đẹp thế bà lại chặt. Bà bảo bà không muốn làm hư bọn trẻ, chính cây táo đã khiến bọn trẻ trở thành kẻ trộm.
Người Nhật là vậy, họ không xài thứ gì không phải của mình. Dù táo hàng xóm có sà qua tường nhà mình họ cũng không đụng vào, mặc cho nó chín rụng. Còn nếu bạn đánh rơi đồ mà có người nhặt được thì bạn có thể yên tâm nhé. Họ sẽ mang đến đặt tại các quầy chuyên lưu giữ đồ thất lạc trong khu vực quanh đó để bạn đến nhận lại.
Khi chạy xe trên đường cao tốc bọn mình hay gặp những cây cầu vượt nhỏ nhỏ băng qua đường. Hoá ra là khi làm đường, ruộng đất của một số hộ có thể bị tách ra làm đôi và người ta liền xây riêng cho mỗi gia đình hẳn một cây cầu để họ tiện đi lại trên phần đất của mình. Một sự lạ nữa mình cũng hay gặp trên đường là trên những cánh đồng sau mùa gặt chẳng hiểu sao còn sót lại một khoảnh lúa chín rục. Hoá ra là người ta để phần cho... lũ chim, để cảm ơn chúng đã giúp họ bắt sâu bọ bảo vệ mùa màng.
Nếu bạn cũng phải lòng xứ Phù Tang sau khi nghe câu chuyện mình kể rồi thì mau khoác ba lô lên mà đi thôi. Mùa này, chỉ riêng những tán lá vàng, đỏ dệt gấm thêu hoa lên màu trời thu xanh ngắt cũng đủ “bỏ bùa” lữ khách rồi đó bạn.