Ở kịch bản 1, VN-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.500 điểm. Dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào sử dụng. Làn sóng Covid thứ 4 được đẩy lùi. Kịch bản này được BSC đánh giá cao.
Kịch bản 2, VN-Index điều chỉnh về khu vực 1.320 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, làn sóng Covid thứ 4 kéo dài và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn. Kịch bản này được đánh giá có khả năng xảy ra thấp hơn.
Với kịch bản VN-Index đạt 1.500 điểm vào cuối quý 3, dự báo vốn hóa tăng 6,5%.
Chứng khoán diễn biến trong quý 3. |
BSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhức kỹ trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu dời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí khi giá dầu tiềm năng quay trở lại đà tăng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin – bưu chính viễn thông.
Một số ngành có thể có lợi thế trong đợt này như dệt may, thủy sản… cũng được BSC khuyến nghị cân nhắc mua do ảnh hưởng từ gián đoạn do dịch bệnh ở Ấn độ, Myanmar.
Ngoài ra, khi giao dịch phái sinh, nhà đầu tư cũng cần thận trọng và giữ số vị thế mở ở mức vừa phải.
BSC đánh giá tình trạng tiêm phòng vaccine Covid-19 khả quan đã tạo nên điều kiện thuận lợi cho xu hướng hồi phục của kinh tế toàn cầu trong quý 2/2021.
Hai nền kinh tế Hoa Kỳ, EU đều có các kết quả chỉ số kinh tế vĩ mô khá tích cực trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại.
Theo BSC, làn sóng dịch bệnh kéo dài sẽ tạo áp lực cho việc duy trì đà hồi phục trong những tháng còn lại của năm 2021. Báo cáo duy trì ước tính triển vọng GDP tại mức 6,2%, bên cạnh đó cũng đưa ra kịch bản kém tích cực hơn trong trường hợp dịch bệnh tiếp diễn, khi đó dự báo tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,5% so với cùng kỳ.