Nhiều năm qua, trạm BOT cầu Thái Hà (Thái Bình) chưa triển khai thu phí tự động không dừng, người dân thấy bất tiện khi vẫn phải dùng tiền mặt.
Theo quy định, từ ngày 1/8/2022 , thực hiện việc thu phí hoàn toàn tự động (ETC) đối với tất cả các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, tại BOT cầu Thái Hà, tỉnh Thái Bình vẫn đang tiến hành thu phí thủ công, chưa triển khai hệ thống thu phí ETC gây phiền hà cho tài xế.
|
Trạm BOT cầu Thái Hà. |
Lý giải về việc chưa lắp đặt thu phí ETC theo quy định, đại diện trạm BOT cầu Thái Hà cho biết: “Doanh thu của BOT cầu Thái Hà liên tục sụt giảm và dẫn đến thua lỗ trong thời gian gần đây. Trong khi đó, chi phí lắp hệ thống thu phí ETC rất cao so với năng lực tài chính của đơn vị. Do đó, BOT cầu Thái Hà vẫn đang xin lùi thời gian triển khai thu phí không dừng”.
Năm 2023, BOT Thái Hà thu được 44,8 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với năm trước. Chủ đầu tư BOT cầu Thái Hà lỗ 83 tỷ đồng trong năm 2023.
Trên thực tế, BOT cầu Thái Hà đã liên tục thua lỗ kể từ năm 2019, mức lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2023 lên 436,8 tỷ đồng.
Về dự án này, Bộ GTVT nhận định, BOT cầu Thái Hà đã hoàn thành và đang thu phí hoàn vốn, nhưng doanh thu bị sụt giảm, nhiều phương tiện lựa chọn đi theo hướng cầu Hưng Hà để không phải mất phí nên nguồn thu phí không đủ bù đắp chi phí bảo trì, trả lãi vay. Doanh thu của dự án này chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng, có nguy cơ xấu về phương án tài chính.
Trước đó, ngày 17/5/2022, cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về vướng mắc đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) và bất cập tại một số dự án BOT giao thông.
Tại đây, cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: "Sau 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành "xả trạm, có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiếp độ". Các trạm ETC cũng phải chủ động "xả trạm" kịp thời nếu để xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống. Thu phí tự động không dừng là nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Bộ GTVT triển khai thực hiện trong thời gian qua nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tăng thuận lợi cho người dân, được dư luận đồng tình, hưởng ứng tích cực. Do đó, cần tiếp tục giải thích, hướng dẫn, khuyến khích người dân dán thẻ để thực hiện thu phí không dừng một cách thông suốt trên cả nước.
Liên quan đến các dự án BOT không hiệu quả, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp, rà soát, phân loại thành từng nhóm để kiến nghị các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền.
Dự án BOT cầu Thái Hà là công trình cầu vượt sông Hồng, nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dự án có chiều dài khoảng 5,6km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Công trình khởi công năm 2014, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018 và chính thức thu phí từ tháng 1/2019. Thời gian thu phí hoàn vốn của trạm này là 16 năm 7 tháng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khắc phục ngay tình trạng ô tô thu phí tự động không qua được trạm BOT: