Nguồn gốc và ý nghĩa bông hồng cài áo mùa Vu Lan
"Bông hồng cài áo" là tên một bài viết về Mẹ do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn. Từ bài viết này, một nghi thức đặc biệt mang tên "Bông hồng cài áo" trong dịp lễ Vu Lan cũng đã được ra đời.
Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối (Sài Gòn) đã ra mắt độc giả bằng quyển Bông hồng cài áo. (Ảnh: GĐPT Quảng Đức, Sài Gòn) |
Trong bài viết Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về tình cảm dạt dào của người Mẹ, đó là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý, không gì có thể so sánh bằng.
"Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương".
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương.
"Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ...Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ."
Cuối cùng bản văn, nhà sư Nhất Hạnh viết:"Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.!"
Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan muốn nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. |
Đoạn văn "Bông hồng cài áo" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ dành cho giới Phật tử mà bất cứ ai đọc cũng đều xúc động bởi những lời văn mộc mạc, gần gũi và chân thành mà Thiền sư dành cho mẹ. Cũng từ bài văn cảm động này mà nghi thức "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan được ra đời. Trong bài văn, bông hoa không nhất thiết là hoa hồng. Tuy nhiên khi trở thành tập tục thì hoa hồng lại được nhắc đến, như đại diện cho các loài hoa, cũng bởi vì hoa hồng khá phổ biến ở Việt Nam.
Hàng năm, cứ vào mùa Vu Lan báo hiếu, nghi thức "Bông hồng cài áo" lại được thực hiện trang nghiêm và cảm động. Đây là nghi thức đại diện cho lòng hiếu thảo, tình yêu thương mẹ cha. "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng".
Đã nhiều năm trôi qua, "bông hồng cài áo" vẫn là nghi thức được thế hệ sau duy trì và tiếp nối vào mỗi mùa Vu Lan, như một cách nhắc nhở bản thân về đạo hiếu, cũng là đạo làm người. Những ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Bởi "Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi, mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.”