PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ ủng hộ quyết định của BCH TƯ giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu làm Chủ tịch nước.
Theo ông, câu chuyện Tổng bí thư làm Chủ tịch nước đã đặt ra từ lâu. Từ sau Đại hội 11, nhất là khi chuẩn bị Đại hội 12, nhiều người đã nêu ý kiến cho rằng nên thực hiện việc này.
Và thời điểm này là đã chín muồi.
Tạo cơ hội cho hiện tại và cả tương lai
Vì sao ông cho đây là thời điểm chín muồi để thực hiện Tổng bí thư làm Chủ tịch nước?
Thứ nhất, ta cũng nên cùng với các nước XHCN khác đã thống nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Ngay ở các nước khác, Tổng thống hay Thủ tướng cũng đều là người đứng đầu các đảng của họ.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ |
Xu thế chung của thế giới như vậy thì ta cũng nên như thế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay thì trong quan hệ đối ngoại, Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn.
Thứ hai, việc thống nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm cho chủ trương, đường lối của Đảng triển khai về mặt Nhà nước nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, tạo thống nhất hơn giữa Đảng với Nhà nước.
Người đứng đầu về mặt Đảng, sau khi cùng TƯ đưa ra đường lối, chủ trương thì được triển khai ngay với cương vị Chủ tịch nước.
Thứ ba, trong điều kiện chúng ta đang thực hiện Nghị quyết TƯ 6, 7 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì việc thống nhất chức danh sẽ thống nhất được Văn phòng Tổng bí thư và Văn phòng Chủ tịch nước thành 1 cơ quan, thành 1 bộ máy giúp việc chứ không phải 2. Như vậy giảm được một đầu mối, biên chế cán bộ sẽ giảm đi.
Thứ tư, thời điểm này đã có nhân sự cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đủ uy tín, đủ năng lực, đức độ để thực hiện thống nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Thực hiện việc thống nhất hai chức danh vào thời điểm này sẽ tạo cơ hội, tạo tiền đề cho cả hiện tại và cho cả tương lai.
Chuẩn bị người kế nhiệm ngay từ bây giờ
Bên cạnh những thuận lợi như ông phân tích, nếu thực hiện Tổng bí thư làm Chủ tịch nước, có vấn đề gì trong lãnh đạo, điều hành đất nước cần phải tính tới?
Có ý kiến băn khoăn là nếu tập trung Tổng bí thư với Chủ tịch nước vào một người thì có nảy sinh chuyên quyền, độc đoán không và việc kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cả bên Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện như thế nào?
Theo tôi, TƯ cần có cơ chế, chế tài để kiểm soát quyền lực của người cùng lúc đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Theo ông, Đảng cần chuẩn bị như thế nào từ cơ chế đến công tác nhân sự để khi thực hiện Tổng bí thư làm Chủ tịch nước được hiệu quả?
Một là, sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định nêu gương mà TƯ sẽ thông qua ở hội nghị TƯ 8, đặc biệt nhấn mạnh những ủy viên Bộ Chính trị, nếu không xứng đáng thì sẽ tự nguyện từ chức.
Hai là, TƯ phải bàn cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực của người vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước.
Vậy Đại hội 13 sắp tới sẽ mang những trọng trách gì trong vấn đề này?
Không phải đến Đại hội 13 mà ngay từ bây giờ phải lựa chọn, bồi dưỡng một đồng chí kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước trong tương lai.