Bốn lần hoạt động mại dâm…sinh viên có thể bị buộc thôi học?

(Kiến Thức) - Sinh viên, học sinh nếu có hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý là buộc thôi học ngay lần đầu tiên vi phạm. Tuy nhiên, với học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm thì đến lần thứ 4 vi phạm sẽ bị buộc thôi học…

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận (góp ý đến ngày 26/11) về dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.
Đáng chú ý theo nội dung dự thảo, nếu học sinh, sinh viên hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý là buộc thôi học ngay lần đầu tiên vi phạm. Đồng thời, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm thì đến lần thứ 4 vi phạm sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu bị khiển trách, lần 2 là cảnh cáo và lần 3 bị đình chỉ có thời hạn.
Bon lan hoat dong mai dam…sinh vien co the bi buoc thoi hoc?
Một trong những quy định trong dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi. 
Cùng với đó, nhiều mức kỷ luật được đưa ra với nhiều hành vi khác. Theo đó, học sinh, sinh viên uống rượu, bia trong giờ học; say rượu, bia khi đến lớp, đánh bạc dưới mọi hình thức, tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy hoặc tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép, tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật nếu vi phạm đến lần thứ 4 cũng sẽ bị buộc thôi học.
Sinh viên, học sinh nếu vi phạm một trong các hành vi như chứa chấp, buôn bán vũ khí, chất nổ và hàng cấm theo quy định của Nhà nước, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, lôi kéo người khác sử dụng ma túy sẽ bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên phát hiện vi phạm.
Học sinh, sinh viên nếu vi phạm các hành vi như kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn, áp phích trái pháp luật thì sẽ bị buộc thôi học nếu có 2 lần vi phạm.
Học sinh, sinh viên làm hư hỏng tài sản trong KTX và các tài sản khác của trường; lấy cắp tài sản, chứa chấp, tiêu thụ tài sản do lấy cắp mà có; đưa phần tử xấu vào trong trường, KTX gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trong nhà trường; Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet; Có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư của người khác…thì tùy theo mức độ, xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng đưa ra quy định, Điều 16. Hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm những HSSV có hành vi vi phạm thì tuỳ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu áp dụng một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách với với HSSV có hành vi vi phạm lần đầu ở mức độ nhẹ; Cảnh cáo: Đối với HSSV đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;
Đình chỉ học tập có thời hạn: Đối với những HSSV đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi HSSV không được làm; HSSV vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp cụ thể, Hiệu trưởng căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian HSSV bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo;
Buộc thôi học: Đối với HSSV đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.
Hình thức kỷ luật của HSSV từ cảnh cáo trở lên phải được lưu vào hồ sơ quản lý HSSV và thông báo cho gia đình HSSV. Trường hợp HSSV bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, nhà trường phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình HSSV biết để phối hợp quản lý, giáo dục.
Dự thảo cũng quy định rõ, cá nhân và tập thể HSSV nếu xét thấy các hình thức khen thưởng và kỷ luật không thỏa đáng có quyền khiếu nại lên Hiệu trưởng; nếu nhà trường đã xem xét lại mà chưa thỏa đáng có thể khiếu nại lên cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Tin mới