Năm 2004, tờ nhật báo lớn và uy tín nhất Việt Nam khiến khối người giật mình với một bài phóng sự mang tựa Ô tô “Made in Viet Nam”, ca ngợi sáng tạo tuyệt vời của một “chủ phòng khám tư” và chiếc ô tô điện dạng minibus đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam.
Tác giả của chiếc ô tô, từng tốt nghiệp khoa cơ khí chế tạo ĐH Bách khoa khi đó “không giấu niềm tự hào” nói: “Mình sẽ đặt tên năm chiếc xe đầu tiên là “Ôtô Điện Việt Nam”. Còn logo là quả địa cầu mang bản đồ VN in nổi. Người VN làm xe thì phải tự hào lấy tên VN chứ”.
Dù “tỷ lệ nội địa hóa 90%”, nhưng tờ báo có lẽ đã không tình cờ để chữ “made in” trong ngoặc kép, bởi thực ra rất khó để phân biệt niềm tự hào Việt Nam khác thế nào so với những chiếc ô tô điện Trung Quốc nguyên mẫu. Số phận chiếc ô tô Made in VietNam, đến giờ, cũng không thấy nói đến nữa. Còn những chiếc xe điện chạy quanh Bờ Hồ, xin thưa, 100% nhập khẩu nguyên chiếc từ… Hà Khẩu.
Người Việt, bằng tiền túi, có thể chế tạo (hoàn toàn không có ngoặc kép đối với từ này) ô tô, máy bay, thậm chí là cả tàu ngầm, như chuyện thời sự đang diễn ra ở Thái Bình. Nhưng những sản phẩm đó, cũng chỉ là để chứng minh về sự không hề thua kém trong sáng tạo của người Việt. Và Hết.
Chữ hết ở đây với hàm ý, một chiếc ô tô không phải chỉ là một chiếc thùng sắt có thể chạy được trên đường, hay một chiếc lò tôn có thể chìm được xuống nước (điều đó đâu có khó ngay với một nông dân) mà nó phải trở thành một loại hàng hóa, thay vì là một thứ đồ chơi làm đơn chiếc mang tính chất “cổ vật thô sơ” lưu giữ trong bộ sưu tập cá nhân hay viện bảo tàng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn đau đáu chiếc ô tô Made in VietNam. |
Ngày hôm qua, trong một “cuộc nói chuyện thẳng thắn, bỏ qua hết cách nói bóng bẩy, ngoại giao”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mang luôn chuyện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra làm ví dụ.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời Bộ trưởng, phát biểu: “Không có nước nào trên thế giới mà lại “đánh” thuế ngành ô tô cao như ở Việt Nam. Hay như khi việc tắc đường xảy ra ở thành phố thì ngay lập tức hàng loạt các chính sách lại được đề ra để hạn chế ô tô…”
3 loại thuế, thuế nhập khẩu 82%, thuế tiêu thụ đặc biệt 30%-45%, thuế giá trị gia tăng 10%.7 loại phí: Trước bạ, biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí quỹ bình ổn, phí bảo trì đường bộ. Chưa kể nhãn tiền 2 loại khác sắp được thông qua phí lưu hành và phí nội đô giờ cao điểm.
Chiếc ô tô ở Việt Nam, có giá cao gấp 3 lần ở quốc gia giàu nhất thế giới, đang khốn khổ như những người chủ sở hữu, đôi khi mua xe chỉ là để “sắt thép che da thịt”. Chiếc ô tô như một nạn nhân của sự yếu kém trong quy hoạch đô thị, nạn nhân của tình trạng hạ tầng giao thông, nạn nhân của chính ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và nạn nhân của cả túi tiền nhà nước.
3 loại thuế 7 loại phí, đáng lẽ ra phải là thứ hàng rào hữu hiệu tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nhưng vấn đề là họ có bấu bíu vào cơ hội đó để đứng dậy được không!
Sau gần 2 thập kỷ, ngành công nghiệp ô tô có gì? Đây là câu hỏi đặt ra trong một hội thảo hồi cuối tháng 8. Thật khó để biết họ có gì.
Chỉ biết rằng thật khó có thể gọi là một ngành công nghiệp khi các chỉ tiêu quan trọng tính chất của ngành công nghiệp ôtô: sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động... đều thất bại so với chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong Quy hoạch, và là một số 0 tròn trĩnh trong thực tế. Chỉ chắc chắn được một điều: Còn lâu mới thực sự có được một chiếc ô tô made in VietNam đúng nghĩa.
Nhưng phải công bằng mà nói, các nhà sản xuất ô tô cũng chẳng sung sướng gì. Làm sao có thể mở rộng được thị trường khi thuế phí liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng, “dựng barie” với động lực phát triển là tiêu thụ xe cá nhân. Làm sao có thể gia tăng sản xuất khi những yếu tố thiết yếu như một điểm đỗ xe nhiều nơi, như Hà Nội chẳng hạn, chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu.
Trong tinh thần thẳng thắn, Bộ trưởng Vinh hôm qua cũng nói thẳng về tình trạng ngành công nghiệp ô tô đã được khởi động cùng nhiều mục tiêu, kỳ vọng về số lượng sản xuất và tiêu thụ đã được Chính phủ phê duyệt. “Chiến lược là như vậy nhưng chính sách cụ thể thì lại đều nhằm mục tiêu kìm hãm và tiêu diệt ngành ô tô”.
Sự thật đó, gắn với nỗi buồn của cả nhân dân, cả các nhà sản xuất, ai cũng biết, nhưng một thành viên Chính phủ dám nói thẳng, nói một cách mạnh mẽ, kể như là một tín hiệu tốt.
Nhưng có lẽ, ngoài sự thẳng thắn, ngoài những cú bấm like từ dư luận, Bộ trưởng Vinh cần thêm những cái bắt tay từ các đồng nhiệm, để biết đâu sau 2 thập kỷ nữa những chiếc ô tô Made in VietNam thực sự có thể lăn bánh.