Bên hành lang Quốc hội ngày 17/6, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho biết, không phê duyệt đề xuất này bởi nó không mới và không phù hợp.
"Làm như vậy không khác nào anh đang có một nhà cấp 4 rồi, nó hơi chật nên anh muốn xây thêm một nhà cấp bốn khác trong thời gian chờ xây một ngôi nhà đàng hoàng hơn. Đúng là nhu cầu trước mắt thì cần nhưng phải tính toán cân đối cho cả lâu dài", Bộ trưởng Thăng ví von.
Bộ trưởng Thăng: "Đúng là nhu cầu trước mắt thì cần nhưng phải tính toán cân đối cho cả lâu dài". |
Lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, đề xuất này không có gì mới mẻ mà thực chất là “chắt” ra một trong bốn phương án mà Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng nghiên cứu trong các kịch bản phát triển đường sắt Việt Nam giữa năm 2013.
JICA đã gọi đây là phương án B1 với mục tiêu nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành tuyến đường đôi khổ một mét, không điện khí hóa nhằm cải thiện tốc độ chạy tàu.
Trước đó, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, nếu đề xuất này có từ 20 năm trước thì rất phù hợp. Còn với tình hình hiện nay, không nên quá thiển cận khi bỏ công sức ra làm thêm một con đường sắt cổ lỗ sĩ.
"Nó không phù hợp với hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Liêm nhấn mạnh.
Cuối tháng 5/2014, tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trình lên bộ Giao thông đề án nghiên cứu xây thêm tuyến đường sắt đơn khổ một mét song song tuyến Bắc - Nam hiện tại. VNR lập luận rằng: năng lực vận tải đường sắt đã kịch trần, quá tải. Để có đường sắt cao tốc sớm nhất phải 30 năm nữa, nên cần thêm đường sắt khổ một mét, hình thành tuyến đường đôi nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt.