Chiều ngày 8/6, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân.
Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.. và nhiều Nghị định, thông tư được ban hành để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Năm 2021 và quý 1/2022, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến, có dấu hiệu phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước và bảo đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản đang bộc lộ rất hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên như: hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện, khó khăn về nguồn cung bất động sản, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, giá bất động sản liên tục tăng cao hơn so với thu nhập của người dân, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, hoạt động môi giới thiếu kiểm soát, quy hoạch còn nhiều bất cập ở các địa phương…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, Bộ Xây dựng đề xuất, thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tăng nguồn thu, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp phân khúc thu nhập thấp.
Thứ hai, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp ổn định giá; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng; bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất; kiểm soát chặt chẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Thứ ba, công khai hệ thống thông tin về nhà ở cho thị trường bất động sản; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng bất động sản.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.