Chiều 15/8, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) tại phiên chất vấn phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành thế nào khi để xảy ra việc làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam như vụ Asanzo gây thiệt hại uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, về vấn đề hàng giả gắn mác “Made in Vietnam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trên thực tế đã có khung khổ pháp luật để điều chỉnh những sản phẩm sử dụng xuất xứ Việt Nam.
“Căn cứ theo Nghị định 43 được ban hành dựa trên Luật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng như Nghị định 31 được ban hành mới đây dựa trên cơ sở của Luật quản lý Ngoại thương”, Bộ trưởng Công Thương nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, nội dung Nghị định 43 yêu cầu các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khi sản xuất các sản phẩm phải công bố và đăng ký ghi chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Zing.vn |
Còn Nghị định 31 hướng tới việc cung cấp các điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký sản phẩm của mình được sử dụng xuất xứ của Việt Nam để được thuế quan ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam đối với các nước và trong đó quy định rõ hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam phải tối thiểu 30%.
“Chính vì vậy, thời gian qua, phần lớn hoạt động xuất xứ hàng hóa cho xuất khẩu đã nhận được sự kiểm soát nghiêm của cơ quan Hải quan cũng như cơ quan thuế”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho rằng tại Nghị định 43 hiện mới dừng ở mức đăng ký xuất xứ nhưng chưa có tiêu chí và hàm lượng cụ thể để hướng dẫn cho doanh nghiệp khi cung cấp sản phẩm của mình được đăng ký xuất xứ hoặc là sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi đã phát hiện vấn đề này trong thời gian qua và hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã xin phép Chính phủ để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam. Trên cơ sở Quy định chung của Tổ chức Hải quan thế giới cũng như Tổ chức thương mại thế giới, Bộ Công Thương đã hoàn thành Dự thảo bước đầu về sản phẩm được sử dụng xuất xứ tại Việt Nam để hướng dẫn chung cho tất cả sản phẩm sản xuất có giá trị gia tăng được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam”- Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, với các quy định đề ra, mặc dù các doanh nghiệp vẫn có quyền tự đăng ký, tự công bố và chịu trách nhiệm, các cơ quan chức năng cũng có căn cứ để giám sát những thông tin được công bố của doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Liên quan vụ việc Asanzo, trước đó, báo Tuổi Trẻ có loạt bài “Điều tra lật tẩy Asanzo”, nêu những sai phạm của Asanzo trong việc nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "Made in China" và dán nhãn ghi xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.
Ngày 25/7, Công ty Asanzo đã nộp đơn khởi kiện báo Tuổi Trẻ yêu cầu được cải chính thông tin, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Asanzo chọn nơi khởi kiện là TAND quận 11, quận này cũng là nơi đặt trụ sở của công ty, thay vì khởi kiện đến TAND quận Phú Nhuận, nơi báo Tuổi Trẻ đặt trụ sở.
Tại cuộc họp báo ngày 30/7, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) cho biết, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã giao vụ việc này cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để tập trung phối hợp xác định làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này. Dự kiến đến 30/8, sẽ có kết luận chính thức.
Tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Thủ tướng có chỉ đạo liên quan đến các Bộ, liên quan đến Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.