Phát biểu tại tổ chiều nay về dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự luật An ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đây là 2 dự án luật rất quan trọng - là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và thực hiện hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đây cũng là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà với thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải |
An ninh mạng đi vào mọi ngõ ngách của đời sống
Bộ trưởng cho biết, vấn đề này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế, các diễn đàn song phương, đa phương, Liên hợp quốc, Liên minh nghị viện thế giới, các tổ chức quốc tế, khu vực... Vấn đề an ninh mạng không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý.
Ông cho rằng, vấn đề mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội, đi vào mọi ngõ ngách của đời sống chứ không chỉ là quốc phòng, an ninh, điện lực, hàng không... Vì vậy, khía cạnh của an ninh mạng phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia.
"Chúng tôi thường hay nói với nhau, đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, của internet, mạng. Chúng ta có mạng đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế văn hoá xã hội... không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, nếu vì đảm bảo an ninh mạng chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới. Nhưng chúng ta vào cuộc chơi chung thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu chúng ta không làm chủ.
"Chính phủ đang phát triển Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0 là ứng dụng tiến bộ CNTT, internet vào đời sống, đến tự động hóa, đời sống, tự động hoá, điều chỉnh đều là ứng dụng mạng. Chúng ta chưa phát triển được bao nhiêu mà chúng ta còn băn khoăn lo lắng về vấn đề an ninh. Nếu phát triển được đến đâu phải đảm bảo an ninh an toàn đến đấy, phải song hành được với nhau. Vừa phát triển vừa đảm bảo an ninh nhất", Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý.
Bộ trưởng Công an cho rằng vấn đề này phải toàn xã hội đóng góp vào. Luật này ra đời để huy động toàn xã hộ hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo được an ninh mạng.
Ô xy ít, cacbonic nhiều thì rất nhức đầu
"Dòng chảy của thông tin giống như hệ thuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu đó, hệ tuần hoàn đó càng lưu thông, càng phát triển tốt được thì cơ thể càng khỏe mạnh - chúng ta không thể ngăn dòng tuần hoàn đó, nó nuôi sống con người", ông ví von và cho rằng làm sao để hệ tuần hoàn đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ, tắc nghẽn. Tuần hoàn mà tắc nghẽn là hỏng.
"Dòng máu đó làm sao phải nhiều ô xy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thế chứ máu đỏ thì ít, máu đen thì nhiều, ô xy ít, cacbonic nhiều thì rất nhức đầu, hệ thần kinh bị ảnh hưởng ngay. Nôm na là an ninh mạng phải giữ được hệ tuần hoàn, an ninh mạng thông suốt", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Công an, nhiều thông tin độc lạ thì phải xử lý thế nào để tuần hoàn nuôi dưỡng được cơ thể tích cực đó thì cơ thể chúng ta mới khẻo mạnh. Đấy cũng là mục tiêu xây dựng luật này.
Ông cũng cho rằng, phạm vi không gian mạng không giới hạn, nếu vũ khí đó nằm trong tay thế lực thù địch chống chúng ta thì bất kể cái gì chống được chúng ta đều phá. "Khủng bố cũng có, phá hoại sản xuất cũng có, nổ máy bay, nổ nhà máy, hệ thống tín dụng ngân hàng tiền không vào không ra được, không thể thanh toán được thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra", ông phân tích và cảnh báo nguy cơ đó là rất lớn.
Kể cả các bí mật đời tư của cá nhân, hoạt động của con người, tư liệu của con người cũng phải bảo đảm chứ không phải chỉ là vấn đề của quốc gia.
"Đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng cũng có tội phạm đó. Đời thực thì xử lý được, thu thập được chứng cứ, có hiện trường nhưng đây là chứng cứ ảo, chứng cứ số thì sẽ được xử lý thế nào. Có thể bị xóa đi nhưng bằng khoa học kỹ thuật chúng tôi khôi phục được cũng phải được xây dựng. Để phục vụ điều tra, xét xử thì chứng cứ số cũng là vấn đề, nếu không quy định được thì xử lý rất khó khăn", Bộ trưởng đặt vấn đề.
Tất cả đều bí mật thì không có tác dụng Nói về dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Tô Lâm, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước rất quan trọng,liên quan đên lợi ích quốc gia, chưa công khai thì phải bảo mật. Nhưng cũng có thể vấn đề có thể hôm nay là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không phải vì nó đã được xử lý. "Quan trọng là mọi người dân đều hiểu ranh giới đó để vận dụng vào thực tiễn. Tránh trường hợp không biết đâu là bí mật để bảo vệ, đã vi phạm luật để phải xử lý", ông nhấn mạnh. Bộ trưởng Công an cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình công khai, minh bạch, mọi người dân phải được biết, được làm chủ, tiếp cận thông tin. Vì vậy phải làm sao hài hoà, đưa ra thông tin nhà nước phục vụ sự phát triển và phục vụ cuộc sống người dân, hoạt động của nhà nước phải được nhân dân giám sát. "Nếu tất cả đưa vào bí mật nhà nước hết thì không có tác dụng gì để minh bạch thông tin, quản lý và huy động được sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội", Bộ trưởng Tô Lâm nói. |