Bộ Nội vụ đề xuất bỏ 87 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Trong đó, đáng chú ý có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên.

Bộ Nội vụ cho biết, qua rà soát có 3 nhóm chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức.
Có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng
Thứ nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước khi bổ nhiệm theo Chỉ thị số 28 ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có yêu cầu đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Về việc này, Bộ Nội vụ đề nghị 18 bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành báo cáo, gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 25/4. Đến hết ngày 21/5, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo của 15 đơn vị, còn 3 đơn vị chưa gửi báo cáo: Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thứ hai là nhóm chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức là bắt buộc khi thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đăng ký dự thi nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp gồm 4 loại.
Đó là, chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị chỉ yêu cầu đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức (có 66 loại chứng chỉ/79 ngạch công chức) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức (có 145 loại chứng chỉ/189 chức danh nghề nghiệp viên chức).
Bo Noi vu de xuat bo 87 chung chi chuc danh nghe nghiep
Nhiều giáo viên đang đau đầu với các loại chứng chỉ bồi dưỡng. Ảnh minh họa: Thúy Nga 
Chứng chỉ ngoại ngữ (có 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ). Chứng chỉ tin học (có 74/79 ngạch công chức và 142/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ).
Thứ ba là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Theo quy định thi chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm và kiến thức, kỹ năng chuyên ngành không yêu cầu bắt buộc phải có khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, nhưng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của công chức, viên chức.
Qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ nhận thấy việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 và đi vào nề nếp, các chương trình bồi dưỡng đã cung cấp một nền kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên ngành, các kỹ năng làm việc, thực hiện nhiệm vụ, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức có một số hạn chế, tồn tại. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Thêm vào đó, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng.
Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Bộ Nội vụ khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là cần thiết và phải tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức, 155 chức danh viên chức
Bộ Nội vụ cũng đưa ra 4 kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.
Một là, đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Cụ thể là bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.
Hai là, cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Theo đó, Bộ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Ba là, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; thời hạn mỗi chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp không quá 8 tuần; nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể.
Đồng thời, quy định việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước hoặc sau khi bổ nhiệm (thực hiện tương tự như bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng và an ninh).
Cùng với đó, sửa quy định về bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức.
Sửa đổi quy định về việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, chỉ quy định về việc thay thế giữa các loại chứng chỉ, còn việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng hoặc bổ nhiệm sẽ được quy định tại các văn bản khác của Chính phủ có liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Bốn là, các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Đồng thời, nghiên cứu quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp cho phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức; xem xét lồng ghép các chương trình bồi dưỡng do bộ quản lý chuyên ngành quy định.
Cùng với đó, rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng để tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định mới tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017.

Bộ Nội vụ yêu cầu An Giang hủy kết quả tuyển dụng bà Vương Mai Trinh

Bộ Nội vụ đã yêu cầu tỉnh An Giang hủy kết quả tuyển dụng và tiến hành thi lại, tuyển dụng lại với bà Vương Mai Trinh, Phó Chánh văn phòng Thành ủy Long Xuyên.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, liên quan đến việc 43 trường hợp tuyển dụng vào công chức không thông qua thi tuyển, sai quy định ở An Giang trong giai đoạn 2010-2015, trong đó có bà Vương Mai Trinh, Phó Chánh văn phòng Thành ủy, HĐND, UBND TP Long Xuyên, Bộ Nội vụ đã yêu cầu địa phương này hủy kết quả tuyển dụng và tiến hành thi lại, tuyển dụng lại, bố trí sắp xếp theo đúng quy trình.

Bổ nhiệm bà Trà làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ là theo yêu cầu công tác

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động, bổ nhiệm bà Phạm Thị Thanh Trà giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ là theo yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Bo nhiem ba Tra lam Thu truong Bo Noi vu la theo yeu cau cong tac
 

Chiều ngày 01/10, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ đối với bà Phạm Thị Thanh Trà.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ đã công bố Quyết định 1444/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chúc mừng bà Phạm Thị Thanh Trà đã được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ là vinh dự lớn của Bộ, ngành Nội vụ, của tỉnh Yên Bái, của gia đình và cá nhân đồng chí.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động, bổ nhiệm đồng chí Phạm Thị Thanh Trà giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ là theo yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà là cán bộ có năng lực, sâu sát cơ sở, gương mẫu, là trung tâm đoàn kết, đã trải qua nhiều cương vị công tác tại tỉnh Yên Bái và ở cương vị nào, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mong muốn, trên cương vị mới, tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, cùng với tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo và công chức, viên chức các đơn vị trong Bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo và công chức, viên chức các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trong công tác để tiếp tục xây dựng Bộ, ngành Nội vụ đoàn kết, vững mạnh, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tập thể lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Bộ đã tổ chức buổi Lễ công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trang trọng, đầm ấm.

Trong thời gian công tác tại địa phương, tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cùng với sự phát triển chung của đất nước thời gian qua, Bộ và ngành Nội vụ đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực quản lý nhà nước như: công tác tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, chính quyền địa phương, địa giới hành chính, thi đua, khen thưởng, tôn giáo, văn thư, lưu trữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức …. Qua đó, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Được nhận nhiệm vụ mới là một vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ nỗ lực phấn đấu, học hỏi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trên cương vị công tác mới ở Bộ Nội vụ - Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, đến nhân sự và các lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm khác của ngành Nội vụ sẽ là một thách thức không nhỏ, tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, các đồng chí Thứ trưởng tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ; mong muốn lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ trong công tác để chung sức cùng Bộ, ngành Nội vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, tân Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tập thể Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đọc nhiều nhất

Thót tim cảnh chăn cừu trên vách đá ở Thụy Sĩ

Thót tim cảnh chăn cừu trên vách đá ở Thụy Sĩ

Sean Gallup, một nhiếp ảnh gia của Getty Images, đã đi cùng những người chăn cừu ở Thụy Sĩ trong chuyến chăn cừu “Schäful” hàng năm của họ ở những đồng cỏ trên núi cao, gần sông băng Oberaletsch và Grosser Aletsch.
Giá vàng hôm nay 19/01: Rơi thẳng đứng?

Giá vàng hôm nay 19/01: Rơi thẳng đứng?

Giá vàng hôm nay 19/01 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá vàng SJC, giá vàng 9999, giá vàng DOJI, giá vàng PNJ, giá vàng 24k, giá vàng 18k ra sao… sẽ được Tri thức và Cuộc sống cập nhật liên tục.

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.
Làng hoa Tiền Giang rộn ràng vào vụ Tết

Làng hoa Tiền Giang rộn ràng vào vụ Tết

Tới thời điểm hiện tại, phần lớn hoa Tết tại Tiền Giang đã có thương lái đến mua hàng, chuẩn bị xuất đi phục vụ tại các chợ hoa xuân trong và ngoài tỉnh cho thị trường hoa Tết 2025.
Phát 'sốt' với kiểu nhà bê tông lợp mái tranh

Phát 'sốt' với kiểu nhà bê tông lợp mái tranh

Nhờ sự đặc biệt từ ý tưởng đến thiết kế, ngôi nhà mái tranh sau khi hoàn thành đã nhận được sự khen ngợi của nhiều người về một không gian sống hiện đại nhưng hòa hợp với thiên nhiên.