Chiều 28-9, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trả lời câu hỏi về phương án xử lý với Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc giải quyết vấn đề vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy được người dân cả nước quan tâm, đặc biệt là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy được người dân cả nước quan tâm, đặc biệt là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Lê Phong |
Theo ông Đông, sau khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo. "Bộ GTVT đã tuân thủ chỉ đạo này và đã rất nhiều lần làm việc với các cơ quan có liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… đặc biệt là UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, để lấy ý kiến về các phương án xử lý đối với BOT Cai Lậy"- ông Đông thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết với 5 phương án xử lý mà Bộ GTVT đã trình ban đầu, đến nay đã gom lại trong 3 phương án. Hiện tại, phương án mua bằng tiền của nhà nước là rất khó khăn vì không có kinh phí để mua, do đó sẽ chỉ tập trung vào phân tích tính khả thi của 2 phương án còn lại theo ý kiến chỉ đạo chung của Chính phủ.
Trong đó, phương án 1: giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm khoảng 30% so với ban đầu. Lúc này các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt.
Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên QL1 hiện nay. Đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.
Theo tính toán, với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng.
Bộ GTVT phân tích phương án này có ưu điểm là không phải bố trí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đồng thời giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân. Phương án này còn đạt mục tiêu quan trọng của dự án là phân luồng giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.
Phương án 2: Lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Lúc đó, trạm trên quốc lộ 1 sẽ thu giá 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1.
Ưu điểm của phương án này là giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng. Tuy nhiên, phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng thêm trạm ở vị trí mới khoảng 90 tỉ đồng, địa phương phải bố trí thêm diện tích giải phóng mặt bằng để làm trạm.
Phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi trên quốc lộ 1 do mức giá trên quốc lộ 1 thấp hơn tuyến tránh, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
"Hiện chúng tôi đang giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thiện phương án lựa chọn trong thời gian tới"- ông Đông cho hay
"Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến và trên cơ sở ý kiến chung của Bộ Công an, UBND tỉnh Tiền Giang, nhưng tinh thần có thể là sẽ đặt Trạm BOT Cai Lậy ở các vị trí khác nhau gồm trên tuyến tránh và tuyến chính, và sau đó thu phí hoàn vốn trên cơ sở phương án đầu tư ban đầu"- ông Đông chia sẻ.
Trước đó, hồi đầu tháng 9, UBND Tiền Giang cũng có có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy.
Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km.
Phương án 2, xây thêm 1 trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km.
UBND tỉnh Tiền Giang nghiêng theo phương án 2 và cho rằng việc thực hiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng, Bộ GTVT phải xác định và cam kết thời gian chính xác hoàn thành trạm thu phí tuyến tránh để thông báo rộng rãi dư luận biết.
Dự án BOT Cai Lậy tổng mức đầu tư 1.398 tỉ đồng, việc thu phí bắt đầu từ đầu tháng 8-2017 nhằm hoàn vốn đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang và đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản ứng dẫn tới "vỡ" trạm và trạm phải tạm dừng thu phí cho đến nay.