Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ Chính trị ghi nhận những năm qua, công tác này đã có chuyển biến tích cực, song có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Bộ Chính trị, tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản Nhà nước chưa hoàn thiện… còn bất cập.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (Ảnh: Hồng Phong).
|
Để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đơn vị cần hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Bộ Chính trị yêu cầu có quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.
Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Đặc biệt, Bộ Chính trị chỉ đạo cần có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém.
"Sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội", Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ.
Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia… cũng là những định hướng quan trọng được Bộ Chính trị đề cập.
Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.