Nhiều ngày nay, những người chơi đồ mỹ nghệ đặc biệt chú ý tới bộ bàn ghế được trưng bày tại hội chợ sinh vật cảnh tại Long Biên (Hà Nội). Đây được đánh giá là bộ bàn ghế khủng nhất hội trợ.
Chủ nhân bộ bàn ghế là anh Đỗ Lâm Tới (Xuân Trường, Nam Định). Bộ bàn ghế này "tay 32" được chạm khắc hình voi với nhiều chi tiết cầu kỳ khác, dùng tới 30 khối gỗ mun đuôi công. Thực hiện trong vòng gần 2 năm với giá trị được chủ nhân định giá tới 3,2 tỷ đồng.
Bộ bàn ghế gồm 19 món: 4 ghế đơn, 1 ghế băng, 2 đôn cao, 2 kẹp giữa, 2 đôn thấp và 7 bệ để chân. Cần một phòng khách có diện tích trống 50m2 mới có thể để đủ bộ bàn ghế này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bộ bàn ghế này được phát giá 3,2 tỷ là quá cao. Ông Nguyễn Đình Minh (62 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội), là một nhà sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có tiếng của vùng cho rằng một bộ bàn ghế kỳ công và lớn như vậy có giá tiền tỷ là chuyện bình thường. Bản thân xưởng của ông Minh cách đây 5 năm cũng đã xuất xưởng một bộ bàn ghế có giá hơn tỷ đồng cho khách tại Hà Nội.
Còn những loại bàn ghế, tràng kỷ, lộc bình có giá vài chục triệu đến vài trăm triệu ông xuất xưởng không đếm xuể. Theo ông Minh, bàn ghế càng lớn thì tâm huyết của người thợ và người chơi đều tương xứng. Ông không thấy điểm lạ nào trong công đoạn chế tác bộ bàn ghế này theo những thông tin mà báo chí đã cung cấp.
Bộ bàn ghế tay 32 được làm hoàn toàn từ gỗ mun đuôi công. |
Tuy nhiên, với giá tiền 3,2 tỷ đồng cho bộ bàn ghế, ông Minh cho rằng cần cân đối lại mức giá cho phù hợp hơn.
"Người chơi bàn ghế tiền tỷ thì đôi khi vấn đề chỉ nằm ở chỗ những sản phẩm đó có xứng đáng với tiền tỷ hay không. Khách hàng đều là người có tiền và là người am hiểu về gỗ không khác gì chuyên gia. Nhưng bộ bàn ghế này làm bằng gỗ mun đuôi công - loại kém nhất trong các dòng mun, tôi thấy giá trị loại gỗ này chưa tương xứng với mức tiền đó" - ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, mun đuôi công dù phải nhập khẩu trực tiếp từ các Nam Phi về nhưng giá cũng chỉ rơi vào khoảng 30 triệu đồng/khối. Nếu dùng tới 30 khối gỗ để làm thì tiền gỗ chỉ chưa đến 1 tỷ. Còn quát giá đến hơn 3 tỷ đồng thì công thợ "đang tính giá cao quá".
Đồng quan điểm với ông Minh, ông Nguyễn Đình Tân (Đồng Kỵ, Bắc Ninh) cho rằng gỗ mun đuôi công không phải là dòng tốt nhất trong các loại gỗ mun.
"Có nhiều loại mun nhập khẩu về đến Việt Nam khoảng 50 triệu đồng/khối. Nhưng không phải là mun đuôi công, giá của nó tùy thời điểm, giao động khoảng 30 - 40 triệu đồng/khối. Làm đồ gỗ nội thất thì giá gỗ thường là khoản tốn tiền nhất cho một bộ sản phẩm" - ông Tân cho biết.
Các chi tiết chạm trổ công phu cầu kỳ hình voi. |
Theo ông Tân, với khách hàng đã chơi đồ gỗ tiền tỷ thì ngoài việc tốn nhiều gỗ ra, độ quý của gỗ cũng là một vấn đề để khách hàng quan tâm, rồi mới tính đến độ tinh xảo của sản phẩm, những yếu tố này kết hợp thành giá trị sản phẩm.
"Việc người làm ra bộ bàn ghế phát giá bao nhiêu là việc của thợ. Còn người chơi họ cũng có tính toán của mình. Nếu kết, họ sẵn sàng trả gấp đôi gấp ba để được sở hữu, đấy mới là đại gia, là dân chơi. Còn cò kè một vài trăm triệu thì chưa chắn đã có duyên sở hữu được sản phẩm tốt" - Ông Tân cho biết.
Tuy nhiên, ông Tân cho biết thêm: "Với số gỗ, công sức người thợ, mẫu mã sản phẩm thì theo tôi quát giá 3,2 tỷ là số tiền chưa xứng". Tuy nhiên, các nghệ nhân này đều từ chối định giá cho bộ bàn ghế.
"Lộc ai người ấy hưởng. Người thợ không thể công khai dìm giá sản phẩm của người khác được" - ông Nguyễn Đình Tân chia sẻ.
Về mặt kích thước, bộ bàn ghế này thực sự "khủng". Ghế cao tới 2,17m, ghế băng dài 3,9m. Riêng bàn đã có kích thước như một cái sập đại dài 2,45m, rộng 1,73m. Để có thể kê hết bộ này thì phòng khách cần phải trống khoảng 50m2.
Các bộ bàn ghế thông thường có tay 14 hoặc 16 (đường kính tay ghế) kê trong nhà đã khá to. Kích thước tay của bộ này là 32, gấp đôi những bộ đó. Từ kích thước tay ghế để làm các chi tiết khác cho tương xứng. Bộ bàn ghế này tay 32 này được đục hình con voi, tượng trưng cho sức mạnh và những điềm lành mà con vật này mang tới.