Ông trùm hàng không Ajay Singh - "Kẻ thức thời" vượt sóng gió
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng hàng không Ấn Độ SpiceJet, Ajay Singh được giới phân tích và người trong ngành nhận xét là "kẻ thức thời" có khả năng vượt qua sóng gió.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng và SpiceJet không thể tránh khỏi “cơn ác mộng” đó. Để tìm lối thoát trong cuộc khủng hoảng này, vào tháng 11/2020, tỷ phú Ajay Singh, dù có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vẫn quyết định chuyển hướng kinh doanh sang bộ xét nghiệm COVID-19 và sau đó là giải trình tự gen.
Ông trùm hàng không Ajay Singh. |
Vị tỷ phú 55 tuổi bỏ tiền túi cho ra mắt công ty SpiceHealth với cam kết cung cấp bộ test COVID-19 nhanh hơn, chi phí rẻ hơn và luôn có sẵn. Chỉ trong vài tháng, SpiceHealth - do con gái của tỷ phú Ajay điều hành - đã mở rộng phạm vi hoạt động khắp cả nước.
"Mảng kinh doanh của SpiceHealth tạo ra giá trị to lớn. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu COVID-19 không xuất hiện. Có thể nói, đây là một trong những lợi ích lớn mà cuộc khủng hoảng đem lại. Chúng ta phải thử và thay đổi những gì chúng ta đang làm", Ajay Singh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Economic Times hồi tháng 3/2021.
Thành công của SpiceHealth góp phần mở ra hy vọng cho SpiceJet. "Ngành hàng không Ấn Độ đang chết chìm nhưng Ajay sẽ sống sót", tờ Financial Times dẫn lời Neelam Mathews, một nhà phân tích hàng không ở New Delhi.
CEO Amazon Jeff Bezos - tỷ phú "ăn nên làm ra" trong đại dịch
Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 thì Amazon, dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Jeff Bezos, vẫn "sống khỏe" và doanh thu không ngừng tăng.
CEO Amazon Jeff Bezos. |
Được biết, doanh thu 3 tháng cuối năm 2020 của Amazon đạt mức cao kỷ lục 125,6 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước đó. Còn CEO Amazon Jeff Bezos nắm giữ khối tài sản lên tới 187,0 tỷ USD, tính đến ngày 30/5/2021.
Nguồn thu của tỷ phú Jeff Bezos tăng chủ yếu từ thị giá cổ phiếu tăng khi Amazon trở thành kênh mua sắm trực tuyến được ưa chuộng, trong bối cảnh nhiều khách hàng "mắc kẹt" tại nhà do dịch COVID-19, hoặc không muốn đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vì lo ngại lây nhiễm virus.
Trong bức thư gửi các cổ đông của Amazon hồi tháng 4/2020, Jeff Bezos đã giải thích chi tiết “chiến lược”thực hiện để chống lại tác động của dịch bệnh đối với sự phát triển của tập đoàn, cũng như kế hoạch của Amazon sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 được kiểm soát.
"Một điều chúng tôi học được từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là Amazon đã trở nên quan trọng như thế nào đối với khách hàng của chúng tôi. Các nhân viên của Amazon đang làm việc chăm chỉ để những sản phẩm thiết yếu được giao trực tiếp đến tận nhà của người cần chúng. Chúng tôi ưu tiên dự trữ và giao các mặt hàng thiết yếu trong gia đình, vật tư y tế và các sản phẩm quan trọng khác", trích một phần nội dung trong bức thư của tỷ phú công nghệ Jeff Bezos.
CEO 57 tuổi cũng nhấn mạnh, trong khi cung cấp các dịch vụ thiết yếu này, Amazon luôn chú trọng đến an toàn của toàn bộ nhân viên, thường xuyên xét nghiệm cho họ, kể cả người không có triệu chứng; tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh,...
CEO Stéphane Bancel - tỷ phú nổi lên nhờ vắc xin COVID-19
Với tổng tài sản 4,3 tỷ USD, Stéphane Bancel - Tổng Giám đốc điều hành hãng dược Moderna (Mỹ) mới đây trở thành một trong 9 tỷ phú mới nổi nhờ lợi nhuận từ vắc xin.
CEO Stéphane Bancel. |
Bancel từng nghĩ rằng COVID-19 là dịch bệnh có thể được kiểm soát như SARS và MERS, nhưng sớm thay đổi sau cuộc gặp hồi tháng 1/2020 với hai nhà khoa học là Jeremy Farrar thuộc Quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) và Richard Hatchett đến từ tổ chức Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng đối phó Dịch bệnh.
Cuộc gặp gỡ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) khi đó được coi là “bước ngoặt” giúp Bancel bắt tay ngay vào việc tìm kiếm vaccine, huy động vốn phục vụ cho mục tiêu này.