Tạp chí quân sự IHS Jane’s đưa tin, Tập đoàn Boeing đang xúc tiến quá trình nghiên cứu và chuyển đổi các máy bay chiến đấu phản lực F-16 thành phương tiện bay chiến đấu không người lái QF-16 (UCAV).
Việc chuyển đổi các máy bay chiến đấu đã qua sử dụng thành UAV chiến đấu sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với việc chế tạo UAV mới đắt tiền. Đây là phương án mang tính hiệu quả cao mà vẫn duy trì ưu thế sức mạnh trên không trong bối cảnh Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Mẫu thử nghiệm QF-16. |
Boeing đã lựa chọn chuyển đổi 6 trong 126 F-16 đang được Quân đội Mỹ sử dụng thành QF-16. Những chiếc QF-16 sẽ được nâng cấp hệ thống lái tự động và lắp thêm các thiết bị truyền dẫn dữ liệu cho phép nó hoạt động như một máy bay chiến đấu thực thụ, với trần bay và phạm vi hoạt động xa hơn so với các UAV hiện tại.
Theo các quan chức Boeing, trong tương lai gần mẫu UAV này có thể sẽ tham gia vào các nhiệm vụ trinh sát và hỗ trợ trên không trong Quân đội Mỹ.
Boeing có khả năng sẽ chuyển đổi hàng trăm chiếc F-16 đã nghỉ hưu tại bãi chứa Boneyard của Không quân Mỹ tại sa mạc Tuscon, bang Arizona. Đây là nơi yên nghỉ của hàng ngàn máy bay hết hạn sử dụng của Quân đội Mỹ, tuy nhiên, trong số đó vẫn còn hàng trăm chiếc đủ khả năng hoạt động và có thể chuyển đổi thành các phiên bản UAV tiến công như QF-16.
Mỹ còn hàng trăm chiếc F-16 có thể sử dụng được lưu giữ tại một số khu vực. |
Thực tế, Bộ quốc phòng Mỹ từ lâu đã hỗ trợ và triển khai các dự án nghiên cứu chuyển đổi các máy bay chiến đấu hết niên hạn sử dụng thành UAV tấn công như một nền tảng của Không quân Mỹ trong tương lai, QF-16 chỉ là một trong nhiều mẫu máy bay được chuyển đổi.
Tiên phong trong chương trình trên có thể kể tới QF-4 Phantom được chuyển đổi từ tiêm kích F-4 Phantom - mẫu máy bay chiến đấu từ lâu đã không còn được sử dụng trong Không quân Mỹ nhưng vẫn còn hàng trăm chiếc đang được lưu trữ.
Quân đội Mỹ hiện tại vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng UAV tấn công như MQ-1 Predator hay MQ-9 Reaper cho các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt trên không. Nhưng có một điểm yếu là những UAV trên có phạm vi hoạt động và trần bay hạn chế, dễ bị phát hiện hay bắn hạ bởi các loại vũ khí phòng không thông thường.
Buồng lái của một chiếc QF-16 trong một lần bay thử nghiệm. |
Hiện tại những chiếc QF-16 đang được sử dụng giới hạn trong phạm vi khu vực của 2 căn cứ Không quân là Tyndall ở Florida và White Sands ở New Mexico. Các trạm điều khiển mặt đất ở 2 căn cứ trên chỉ cho phép QF-16 hoạt động trong khu vực này và sẽ mất khả năng hoạt động nếu vượt qua ranh giới được đặt ra.
Nhưng Boeing muốn nâng cấp hệ thống các trạm điều khiển trung tâm của QF-16, giúp nó có thể hoạt động như UAV bình thường chỉ với một trung tâm truyền tải dữ liệu duy nhất thay vì phải sử dụng nhiều trạm điều khiển như hiện nay. Theo các chuyên gia của dự án QF-16 thì phương tiện bay không người lái này hoàn toàn có thể làm được như những gì mà một chiếc UAV chuyên dụng có thể làm được.
Tiêm kích không người lái QF-16 cất cánh thử nghiệm. |
Tuy giữ nguyên hình dáng như một chiếc F-16 bình thường nhưng QF-16 lại phải bắt buộc tháo bỏ một số trang bị nhất định trên máy bay thay thế vào đó là hàng trăm mét dây dẫn phục vụ cho quá trình chuyển đổi. Các kỹ sư của Boeing đánh giá, QF-16 sẽ không gặp bất kỳ trở ngại vật lý nào khi bay, nhưng quá trình nâng cấp gặp nhiều khó khăn một phần do kích thước của chiếc F-16 khá nhỏ.
Hãng Boeing đã ký hợp đồng với Không quân Mỹ để chuyển đổi 126 chiếc F-16 sang phiên bản QF-16 để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của Quân đội Mỹ, nhưng con số có thể lên tới 210 chiếc tùy thuộc vào tình hình tài chính của Bộ quốc phòng Mỹ. Với hàng trăm chiếc F-16 hết hạn sử dụng đang được niêm cất thì việc chuyển đổi sẽ mất một thời gian khá dài.
Đầy tiềm năng phát triển nhưng cũng không ít trở ngại
Từ những năm 1970 cho đến nay đã có hơn 4.500 chiếc F-16 được chế tạo và sử dụng trong hơn 20 quốc gia. Giả sử trong trường hợp Quân đội Mỹ không chấp nhận sử dụng những chiếc QF-16, thì nền tảng phiên bản chuyển đổi trên có thể sẽ được các nước đang sử dụng F-16 quan tâm. Tất nhiên với sự đồng ý và chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Tuy với Boeing việc chuyển đổi những chiếc F-16 là cơ hội làm ăn béo bở, nhưng với với Quân đội Mỹ thì rất khó đánh giá chính xác lợi ích mà dự án trên mang lại. Khi chi phí cũng như các vấn đề hậu cần khác có liên quan của một chiếc QF-16 ngang ngửa với một chiếc F-16 thông thường thậm chí có tốn kém hơn.
Một vấn đề khác liên quan tới phạm vi hoạt động của QF-16 nếu so sánh với các UAV khác như Predator và Reaper, nó đòi hỏi cần phải được tiếp nhiên liệu nếu thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm trung hoặc tầm xa. Mà điều này khó mà có thể thực hiện được với một chiếc QF-16, nhất là khi việc tiếp nhiên liệu trên không đòi hỏi phi công có kinh nghiệm bay thật sự tốt.
Hiệu suất sử dụng của QF-16 cũng là một ngại, khi tốc độ di chuyển của UAV thông thường khá chậm khi thực hiện các nhiệm vụ trinh sát hỗ trợ trên không và đủ thời gian cần thiết để các phi công ngồi tại trạm điều khiển có thể đánh giá và quan sát được tình hình trên chiến trường trước khi tấn công. Nhưng với việc di chuyển ở tốc độ cao như của F-16 thì việc đảm bảo đánh giá chính xác tình hình là điều rất khó khăn.
Ngoài ra, tuy QF-16 có thể được sử dụng như một biện pháp vô hiệu hóa hệ thống phòng không dày đặc của đối phương trước khi các máy bay chiến đấu có người lái chủ lực tiến hành không kích các mục tiêu quan trọng. Nhưng cách làm trên khá hạn chế nhất là nếu áp dụng với Quân đội Mỹ, quốc gia luôn luôn thống trị bầu trời trong mọi cuộc chiến và việc tái sử dụng hàng trăm chiếc F-16 là không cần thiết. Đó là còn chưa kể tới phản ứng từ các tổ chức nhân quyền cũng như lo ngại của công chúng Mỹ trước những cỗ máy giết người bay trên đầu họ.