Đó là nhận định của học giả Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học La Salle De và từng là cố vấn chính sách của Hạ viện Philippines (2009-2015), trong một bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 7/7/2016.
Theo giáo sư Heydarian, bất kể muốn hay không, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ phải đối mặt với thực tế là nước ông đã rơi vào trung tâm của một trong những điểm nóng địa chính trị gây nhiều tranh cãi nhất thế kỷ 21, liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Mỹ, Trung Quốc tập trận “dọa dẫm lẫn nhau” ở Biển Đông
Trong mấy tháng qua, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đã tiến hành tập trận hải quân lớn trong khu vực, phô trương sức mạnh dọa dẫm lẫn nhau.
Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông bao gồm hai cụm tàu sân bay. Tàu sân bay thứ nhất là USS John C. Stennis của nhóm tàu sân bay tấn công số 3, cùng với các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon, USS William P. Lawrence, USS Stockdale và tàu tuần dương Aegis USS Mobile Bay. Tàu sân bay thứ hai là USS Ronald Reagan có căn cứ ở Yokosuka và thuộc về Nhóm tàu sân bay tấn công số 5. Hai tàu sân bay khổng lồ này mang theo tổng cộng 140 máy bay (trong đó có 80 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet) cùng với gần 700 bệ phóng tên lửa.
Hải quân Mỹ đưa hai cụm tàu sân bay tấn công tập trận ở Biển Đông. Ảnh rt.com |
Gần đây, Trung Quốc cũng đã phát động cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần ở Biển Đông trên một vùng biển rộng 100.000 km2 xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm năm 1974. Trong cuộc tập trận này, Hải quân Trung Quốc huy động các tàu khu trục tên lửa hiện đại nhất như Shenyang và Ningbo cùng với khinh hạm mang tên lửa Chaozhou.
Đáng chú ý là thời điểm của cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông này. Nó diễn ra ngay trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye sắp phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc thâu tóm Biển Đông.
Tổng thống Duterte, người đang tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và có ý định "hạ cánh mềm" trong cuộc đối đầu Trung Quốc-Philippines - đang phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng. Điều này không chỉ liên quan đến hai nước, mà còn ảnh hưởng lớn đến số phận của toàn bộ cấu trúc an ninh khu vực.
Quá trình ra phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)
Vào ngày 12/7 tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (The Hague) dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Tháng 10/2015, PCA đã bác bỏ lập trường cố hữu của Bắc Kinh nói rằng tòa này không có thẩm quyền phán quyết về những vấn đề mà Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Tòa PCA cho rằng trường vụ kiện của Philippines "đã được tiến hành đúng thủ tục”. Các vị thẩm phán tái khẳng định rằng "việc Trung Quốc không tham dự trong các thủ tục tố tụng không làm mất thẩm quyền” của PCA và "luật pháp quốc tế không đòi hỏi một nhà nước phải tiếp tục đàm phán khi kết luận rằng khả năng của một giải pháp thương lượng đã cạn kiệt”.
Điều quan trọng, Tòa PCA phán quyết rằng tòa có quyền xác định bản chất của các tính năng đang có tranh chấp: từ bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển Philippines khoảng 200 km nhưng lại cách bờ biển Trung Quốc tới 900 km đến các tính năng ở quần đảo Trường Sa, cụ thể là Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Đá Châu Viên, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Xu Bi, Đá Chữ Thập... mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép thành “đảo nhân tạo” với qui mô chưa từng có trong những năm gần đây.
Hơn nữa, Tòa PCA cũng thực hiện thẩm quyền phán xét bị cáo buộc hành động hung hăng của Trung Quốc đối với tàu Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough. Đáng ngạc nhiên, Tòa PCA cũng đã xem xét cáo buộc của Philippines về việc Trung Quốc hủy diệt sinh thái biển gần bãi cạn Scarborough và Đá Gạc Ma.
Tuy nhiên, Tòa PCA đã gác lại các vấn đề như hiệu lực của tuyên bố chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) cũng như cái gọi là "quyền lịch sử" mà Trung Quốc mới đưa ra gần đây.
Phán quyết của PCA và “sức mạnh mềm” của Trung Quốc
Philippines và nhiều nước khác hy vọng rằng Tòa PCA sẽ đưa ra những phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền Biển Đông khác và cộng đồng quốc tế.
Hầu hết các chuyên gia luật hàng hải quốc tế mong đợi phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nhưng không ai biết chắc chắn bất lợi đến mức độ nào. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch có hệ thống để bôi nhọ và vô hiệu hóa các thủ tục tố tụng trọng tài và làm sai lệch bản chất thật sự của nó.
Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh tuyên bố rằng Trung Quốc đã nhận được sự hỗ trợ của phần lớn các nước đang phát triển về vấn đề này. Theo luận điệu của Trung Quốc, các nước nói trên đã bày tỏ sự phản đối hành động kiện tụng lố bịch của Philippines.
Tuy nhiện, nhiều phân tích chỉ ra rằng chỉ có 8 nước - chủ yếu là các nước nghèo và phụ thuộc vào Trung Quốc - đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, trong khi có đến 40 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với nguy cơ bị một tòa án trọng tài qui kết là hành động “ngoài vòng pháp luật”, bất chấp luật pháp quốc tế.
Việc bác bỏ phán quyết của Tòa PCA có thể dẫn đến những hậu quả rất tai hại đối với sức mạnh mềm của Trung Quốc. Tuy nhiên, những hậu quả kia tai hại đến mức nào lại phụ thuộc vào những gì mà chính quyền Duterte sẽ làm.
Tổng thống Duterte sẽ làm gì sau phán quyết PCA?
Giả sử các phán quyết của PCA là rất có lợi cho Philippines, Tổng thống Duterte có quyền đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ kêu gọi “tuân thủ” phán quyết của tòa trọng tài và gây áp lực ngoại giao tối đa đối với Trung Quốc.
Tổng thống Duterte cũng có thể sử dụng phán quyết của Tòa PCA để tiến hành đàm phán với Trung Quốc, với vị thế mạnh hơn. Ảnh news.com.au |
Phán quyết của PCA cũng có thể cung cấp một lý do hoàn hảo cho Mỹ, Nhật Bản và các nước khác ở Thái Bình Dương để tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tích cực hơn, gần các tính năng mà Trung Quốc chiếm đóng và biến thành “đảo nhân tạo”.
Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng có thể sử dụng phán quyết của Tòa PCA để tiến hành đàm phán với Trung Quốc, với vị thế mạnh hơn. Manila có thể tìm kiếm sự nhượng bộ nhất định từ Bắc Kinh, trong đó có thể việc Trung Quốc để cho ngư dân Philippines đánh bắt ở gần các tính năng tranh chấp mà Trung Quốc đang kiểm soát trên thực tế.
Tất nhiên, cũng có khả năng phán quyết của Tòa PCA sẽ là quá mơ hồ về mặt pháp lý để giữ thể diện cho cả hai bên và tiến tới một sự "hạ cánh mềm" sau phán quyết.
Chỉ có điều, bất luận phán quyết của Tòa PCA như thế nào, chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte sẽ bị thử thách rất nhiều trong những tuần tới, khi cả thế giới chăm chú theo dõi những động thái tiếp theo của chính phủ ông ở Biển Đông.