Theo Reuters, biến cố chính trị ở Myanmar xảy ra đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân nước này, trong đó có gia đình của Own Mar Shwe.
Được biết, kể từ khi đến Thái Lan để làm việc vài năm trước, hàng tháng Own Mar Shwe đều gửi tiền về cho gia đình cô ở Myanmar để mua thực phẩm và thuốc men. Tuy nhiên, cô không thể gửi tiền về cho gia đình từ tháng trước.
Giống như hàng triệu lao động Myanmar làm việc ở nước ngoài và gửi thu nhập của họ về nước cho những người phụ thuộc, cuộc khủng hoảng chính trị có thể nói đã chặt đứt "nguồn sống" của gia đình cô Shwe, khi các dịch vụ ngân hàng và chuyển tiền bị gián đoạn.
"Tôi lo lắng không biết gia đình tôi sẽ xoay xở thế nào mỗi ngày", Own Mar Shwe, 41 tuổi, nói với Reuters qua điện thoại từ Samut Sakhon, một trung tâm thủy sản của Thái Lan ở phía nam thủ đô Bangkok.
Một cuộc biểu tình ở Myanmar ngày 4/3. Ảnh: Reuters. |
Shwe thường gửi 6.000 baht (200 USD) mỗi tháng về cho gia đình bằng cách gửi qua một người trung gian dùng ứng dụng thanh toán Wave Money. Tiền sẽ được chuyển đến các cửa hàng tiện lợi ở Myanmar, nơi người thân của cô có thể đến nhận.
Tuy nhiên, Shwe đã không thể làm điều đó từ khi Quân đội Myanmar bắt giữ hàng loạt nhân vật cấp cao trong chính phủ, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, hôm 1/2. Quân đội Myanmar sau đó tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước và ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm, hạn chế kết nối Internet, khiến nhiều người dân nước này xuống đường biểu tình và đình công.
"Tôi không biết phải làm gì", Shwe, bà mẹ 3 con, bày tỏ sự lo lắng cho người mẹ 76 tuổi ở quê nhà đang bị bệnh và phải dựa vào số tiền cô gửi về để mua thuốc.
Hơn 4 triệu người lao động Myanmar làm việc ở nước ngoài trong ngành sản xuất, nông nghiệp hay giúp việc cho các gia đình, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.
Nhiều người trong số họ là trụ cột gia đình, gửi về lượng kiều hối lên tới 2,4 tỷ USD vào năm 2019, tương đương hơn 3% GDP của nước này, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình ở Yangon, Myanmar, ngày 26/2. Ảnh: Reuters. |
Biểu tình phản đối chính quyền quân sự đã lan rộng ở Myanmar kể từ sau cuộc chính biến hôm 1/2.
Nhiều doanh nghiệp ở Myanmar đã đóng cửa để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào phản đối chính quyền quân sự hoặc cho phép nhân viên tham gia biểu tình trong giờ làm việc.
Dịch vụ ngân hàng bị gián đoạn, với một số chi nhánh đóng cửa và một số giảm hoạt động, hạn chế khách hàng rút tiền.
Một số ngân hàng và công ty tài chính ở nước ngoài cũng ngừng dịch vụ chuyển tiền đến Myanmar hoặc khuyên khách hàng hoãn kế hoạch chuyển tiền với lý do giao dịch có thể bị đình trệ.
Một chi nhánh của Ngân hàng Kasikornbank của Thái Lan ở Bangkok, chi nhánh của Western Union hay các điểm chuyển tiền quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã xác nhận điều này. Trong khi đó, một ngân hàng khác của Thái Lan, Siam Commercial Bank, cho biết dịch vụ chuyển tiền của họ vẫn hoạt động.
"Kiều hối là vô cùng quan trọng với nhiều gia đình (ở Myanmar). Trong tình hình hiện tại, khi dịch COVID-19 kết hợp với khủng hoảng chính trị, rất có thể sẽ tác động lớn đến sinh kế của các gia đình bị bỏ lại phía sau", Nicola Piper, Giáo sư tại Đại học Queen Mary, London (Anh), bình luận.
Mời độc giả xem thêm video: Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm (Nguồn video: THĐT)
Đối với Ko Nai Ling, người rời quê nhà ở Myanmar vào năm 2013 để tới Malaysia tìm công việc có thu nhập tốt hơn gửi về cho người thân, tất cả những gì anh hy vọng là có thể sớm gửi tiền trở lại.
Ki Nai Ling hầu như không thể liên lạc với gia đình kể từ khi biến cố chính trị ở Myanmar xảy ra khiến quyền truy cập vào Facebook bị hạn chế.
“Tôi rất lo lắng vì tôi là người duy nhất chu cấp cho người thân ở quê nhà. Nếu tôi không thể gửi tiền, tôi không biết họ sẽ sống như thế nào”, Ko Nai Ling, 33 tuổi, người từng gửi về nhà 1.200 ringgit (300 USD) mỗi tháng từ công việc rửa xe, chia sẻ.