"Thấy tủi nhục khi mắc bệnh ung thư"
Trong một lần về Phú Thọ thăm người thân bị ung thư đang điều trị tại khoa ung bướu bệnh viện Việt Trì (Phú Thọ) tôi đã gặp, chứng kiến nhiều người vì mắc căn bệnh quái ác này mà tâm tính trở nên thay đổi.
Ông Nguyễn Văn H. (56 tuổi tại thị xã Phú Thọ) ung thư vòm họng giai đoạn cuối là một trong những trường hợp như thế. Ông dường như tuyệt vọng với cuộc đời khi đón nhận căn bệnh này.
Những bệnh nhân nằm cùng phòng với ông H. kể, từ ngày vào phòng bệnh này để điều trị ông chẳng chuyện trò với ai. Thậm chí, khi có người hỏi chuyện ông lại kéo chiếc chăn mỏng của bệnh viện trùm kín đầu.
Con trai ông H. là anh Nguyễn Minh N. (SN 1990) kể, khi nhận lời “kết án” từ bác sỹ, ông đi biệt, có lẽ ông không đủ can đảm để đối diện với gia đình. Căn bệnh ung thư đã trở thành cái án tủi nhục với ông, ông giấu biệt với gia đình, xóm giềng.
“Hơn một tháng ông không gặp ai. Ông uống rượu nhiều hơn lúc chưa bị bệnh. Khi chúng tôi phát hiện ra thì bệnh tình của bố tôi đã quá nặng. Ông kiên quyết không điều trị, chỉ vì không biết phải “lý giải” thế nào trước miệng đời về “nguyên nhân” của căn bệnh tai ác.
Nhiều người thay đổi tính nết khi biết mình mắc ung thư. Ảnh minh họa. |
Can ngăn để ông dừng uống rượu lại nhưng ông không nghe. Chỉ đến khi, không thể ăn, không nói thì ông mới chấp nhận để gia đình đưa đi viện. Để rồi, đến khi bị buộc phải tin, phải đối diện, ông lại đâm nghi ngờ tất cả mọi chuyện”, anh N. tâm sự.
Cũng theo lời anh N. từ ngày bố anh chấp nhận ở viện điều trị, ông không nhận bất kỳ cuộc điện thoại nào của gia đình, ông không cho ai vào viện thăm hỏi. Ông luôn tránh ánh mắt nhìn của những người trong viện.
Ngay cả bản thân anh N. hơn 2 tháng chăm ông ở viện, anh và bố cũng không hề nói chuyện với nhau. Nghe thấy tiếng ông H. ho là anh hiểu ông đang có việc cần nhờ.
“Bố tôi cáu gắt, quăng hết mọi thứ mà tôi mua về. Ông không cho mẹ tôi xuống thăm. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều, suy sụp một thời gian dài vì sự thay đổi đột ngột của ông. Nhìn ông nằm một góc giường, người co lại tôi thương lắm. Nhưng, tính của ông thay đổi từ ngày phát hiện mình có bệnh nên gia đình tôi cũng phải chiều theo.
Chỉ cần nhìn gương mặt của ông là tôi hiểu ông đang muốn gì. Ông tuyệt đối tin tưởng liệu trình điều trị của bác sỹ, không hề tin vào các thầy thuốc lang băm. Điều này cũng khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn”, anh N. chia sẻ.
Liều thuốc tinh thần vô cùng quan trọng
Quả thực, người đàn ông đang ngồi đối diện tôi đã có những ngày vô cảm vì căn bệnh ung thư quái ác, không tin mình mắc bệnh và chỉ đến khi không thể gượng hơn nữa mới vào viện điều trị.
Những người cùng phòng bệnh ông H. còn cho biết, đêm nào ông cũng phải ngủ ngồi vì họng quá đau. Mỗi lần ông H. đi xạ về là ông lại quay mặt vào tường hàng tiếng đồng hồ lẩm bẩm “mình có làm gì đâu mà mắc ung thư”.
Hiện nay dù cái “án bệnh tật” ấy vẫn chưa từng tan đi, những với những hướng dẫn, lời khuyên từ bác sỹ nên ông H. đã dần ổn định về tâm lý và bắt đầu những điều trị, ăn uống khoa học.
Nói về những bệnh nhân đang suy sụp về tinh thần khi nhận ti mắc ung thư, trao đổi với PV, TS, bác sỹ Trần Văn Công – Trưởng Khoa Nhi BV K3 Tân Triều cho rằng: “Trước hết các bác sỹ cũng cần phải truyền đạt từ từ cho người bệnh để họ có thời gian chấp nhận căn bệnh này, giảm cảm giác hụt hẫng, sốc về tâm lý.
Hãy cho họ biết, cơ hội điều trị ung thư là rất cao. Hơn nữa, bác sỹ và người nhà bệnh nhân cũng phải có những nguồn thông tin, những bệnh nhân đã điều trị khỏi để họ tâm sự, trao đổi với nhau. Bởi, mắc căn bệnh ung thư này thì tâm lý là vô cùng quan trọng”.
Mời quý độc giả xem video về bệnh ung thư (nguồn Youtube):