Sống trên đọt cây cổ thụ
Đã bước sang tháng Giêng, tiết trời Bảy Núi vẫn xuất hiện cơn mưa trái mùa. Len lỏi qua con đường đất gập ghềnh, dưới chân núi Nam Quy, chúng tôi đến nhà năm Hải ở khu vực Latina thuộc xã Châu Lăng (Tri Tôn). Mấy chục năm sống dưới chân núi, sáng nào năm Hải cũng thấy gà rừng lũ lượt kéo xuống bới rác tìm mồi, nhưng nay loài vật này dường như sống rất bí ẩn. Ngồi bên căn nhà cấp 4 khá khang trang, năm Hải quả quyết: “Mấy năm trước, tờ mờ sáng, tui ngồi uống trà thì nghe gà rừng Bảy Núi cất tiếng gáy lảnh lót. Những con gà mái thì dẫn đàn gà con tìm côn trùng để ăn. Có lúc, chúng rất dạn dĩ, gặp người mà vẫn cứ bới rác tìm mồi”.
Một số hộ nghĩ ra cách lai tạo gà rừng Bảy Núi. |
Thuở ban sơ, Bảy Núi được xem là nơi đất lành để loài “hùng kê” trú ngụ và sinh sản. Rong ruổi qua các vồ, điện trên núi Cấm, chúng tôi hỏi lão sơn dân út Tươi (79 tuổi) về chuyện săn bắt gà rừng của cư dân ở đây. Đang lom khom chăm sóc lại khu vườn thuốc nam, út Tươi nói như trách: “Cách đây 15 năm, gà rừng ở ngọn núi này nhiều lắm. Đặc biệt, vào mùa mưa, trời mát lạnh, sương mù bao trùm cả ngọn núi, gà rừng kéo từng bầy, lục lọi, bới rác sột soạt phía sau nhà để kiếm ăn. Còn nay chúng rất nhút nhát, chủ yếu trú ẩn trên ngọn cây cao, khó thấy lắm!”. Cũng theo út Tươi, trước đây núi Cấm là nơi quy tụ những tay thợ săn khét tiếng, nên gà rừng cũng bị tận diệt theo thời gian. “Hồi đó, mấy ông thợ săn dùng súng hơi bắn dữ lắm. Mấy ổng cho rằng, chim trời cá nước nên vô tư săn, bẫy”- út Tươi chậm rãi nói.
Săn bắt tràn lan
Dọc Tỉnh lộ 17B, băng ngang thung lũng Tà Lọt dưới chân núi Cấm, ghé vào trại của ông Võ Văn Quýt, một trong những người đầu tiên đến đây “khai sơn phá thạch”, biết rất rành về đặc tính của loài gà rừng. Chỉ tay hướng về núi Cấm có nơi cây cối xanh tốt, ông Quýt cười: “Nơi đó có mạch nước ngầm, cây cối xanh tốt, gà rừng vẫn còn trú ngụ. Ban ngày, chúng kéo bầy ra khu vườn nhà tui kiếm ăn. Thấy vậy mà bắt chúng đâu có dễ. Mỗi khi nghe tiếng động là chúng bay, còn gà con thì chui vào bụi rậm. Bây giờ, ở núi Cấm duy chỉ khu vực Tà Lọt là còn vài cá thể gà rừng, do nơi đây hoang vắng, ít người lui tới. Nhưng theo đà săn bắt quá mức và môi trường sống bị thu hẹp, gà rừng sẽ biến mất trong tự nhiên”.
Con đường độc đạo dẫn chúng tôi lên núi Dài Nhỏ (Tịnh Biên), nơi đây còn hoang vắng và đìu hiu. Thỉnh thoảng bắt gặp người dân lên rừng dọn vườn, cuốc đất trồng trọt để kiếm thêm huê lợi. Ông Huỳnh Văn Thông (70 tuổi) lên núi Dài lập vườn hơn 20 năm cho biết: “Ngày trước, núi này rất nhiều thú rừng đến đây uống nước, trong đó gà rừng nhiều vô kể. Ai muốn ăn gà rừng chỉ cần đặt bẫy là bắt được chúng. Người ta ăn riết nên đẩy chúng vào tình trạng tuyệt chủng”. Hiện nay, để bảo tồn loài gà rừng, nhiều người nghĩ ra ý tưởng táo bạo là thuần hóa chúng sống như gà nhà mà không trở về với môi trường tự nhiên.
Ông Bùi Trọng Khang, ngụ xã An Hảo (Tịnh Biên) thạo cách lai gà rừng cho biết, nhà ông nuôi 1 con gà rừng giống rặt cho lai với 20 con gà mái nhà, kết quả rất thành công. Những chú gà trống khi lớn lên có vóc dáng giống hệt gà rừng, với các đặc điểm nổi bật so với gà nhà như: Tích có màu trắng, chân đen, mắt tròn, tiếng gái lảnh lót và lanh hơn so với gà nhà. Cũng theo ông Khang, trước đây do đam mê nuôi giống gà lạ nên thấy người dân trên núi Cấm bẫy dính gà rừng, ông mua đem về thuần dưỡng.
Tuy nhiên, do gà rừng rất nhút nhát, không thích nghi với môi trường nuôi nhốt nên không được bao lâu thì chết. Thấy vậy, ông lên núi “tầm sư” những lão sơn dân cách thuần gà rừng. Sau đó, ông về thả gà rừng vào trong chiếc chuồng thật rộng để đổ giống với gà mái nhà, kết quả đã thành công mỹ mãn. Hiện tại, mỗi tháng ông Khang bán ít nhất một con gà trống lai rừng, với giá 1,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ô (năm Râu, 67 tuổi, ngụ vồ Chư Thần, núi Cấm) cũng là một tay “cự phách” trong cách thuần gà rừng ở đỉnh núi thiêng này. Năm Râu có cách làm hay hơn, vào rừng sâu tìm những ổ trứng đem về cho gà nhà ấp. Năm Râu cho biết: “Làm như vậy khi nở ra, gà rừng con quen dần với môi trường nuôi nhốt gần nhà. Vậy mà khi lớn lên gà rừng vẫn còn mang “chất rừng” rất nhút nhát và khó bắt. Lúc này, mình chọn những con gà trống có mã đẹp, dáng tốt đem lai với giống gà tre Tân Châu, Bến Tre, Cao Lãnh, Bà Điểm…”. Với cách lai độc đáo này, mỗi năm đàn gà của năm Râu nở ra bao nhiêu, khi lớn lên khách du lịch mua hết bấy nhiêu.