Dung dịch chuối chứa dưỡng chất gì tốt cho cây phong lan?
Trong chuối có rất nhiều các dưỡng chất như: Vitamin nhóm B, C, cacbonhydrate, đường, protein và các loại muối khoáng như: Canxi, natri, kali; các chất vi lượng rất phong phú… không những tốt cho cơ thể con người mà còn tốt cho thực vật, cụ thể là cây phong lan.
Nếu biết cách chế biến, chuối có thể trở thành 1 loại phân bón rất tốt, giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh chóng, thậm chí đang héo úa cũng có thể hồi sinh.
Ảnh minh họa. |
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm dung dịch chuối bón cho phong lan
– Chuối đã rửa sạch, để nguyên cả vỏ và thái thành từng miếng nhỏ, chuối xanh hay chín đều được.
– Can hoặc chai nhựa cỡ lớn, có nắp đậy kín.
– Máy xay sinh tố.
– Nồi lớn.
Cách làm
Bước 1: Cho khoảng 100gr chuối vào nồi nấu với 1 lít nước.
Bước 2: Đun sôi và giữ lửa nhỏ trong vòng 40 phút tới 1 tiếng để chuối càng nhừ càng tốt.
Bước 3: Lấy chuối ra và cho vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Sau đó đổ lại chuối vào nồi và cho thêm chút nước sao cho vừa đủ 1 lít, mục đích là để bù lượng nước bị cạn trong quá trình nấu khi nãy.
Bước 4: Dùng đũa khuấy đều nước và chuối với nhau.
Bước 5: Dùng 1 tấm vải sạch để lọc riêng phần nước và bã chuối. Với phần bã chuối, có thể dùng để bón trực tiếp lên gốc cây địa lan hoặc 1 số cây trồng khác cũng rất tốt. Với phần nước, có thể tưới luôn hoặc cho vào chai nhựa, đậy kín nắp.
Cách bảo quản: Nên để dung dịch chuối trong can đậy kín, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu giữ trong ngăn mát thì trước khi tưới cho cây cần bỏ chúng ra bên ngoài và chờ tới khi nước này về tới nhiệt độ phòng.
Cách chăm sóc hoa lan
Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.
+ Chiếu sáng:
Mật độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây ít nảy chồi, khó ra hoa, hoa nhỏ và ngắn màu sắc không tươi, hoa nhanh tàn. Thừa nắng lan thấp cây, lá vàng có vết nhăn và khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm khi cây còn nhỏ nên hoa ngắn, nhỏ, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết.
Lan có yêu cầu khác nhau về mức độ chiếu sáng tùy theo loài lan và tuổi cây. Lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ít chịu nắng nhất, có thể chịu được 30% nắng, lan Cattleya chịu được 50% nắng, lan Dendrobium hay Vanda lá hẹp chịu được 70% nắng, trong khi lan Vanda lá dài và Bò cạp chịu được tới 100% nắng.
Lan con từ 0-12 tháng đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12-18 tháng cần chiếu sáng tới 70% và thời điểm kích thích ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn, thậm chí bỏ dàn che để chiếu sáng tự nhiên. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan.
Lan đặt ở hướng Đông nhận ánh nắng buổi sáng sẽ tốt hơn nhiều so với lan đặt ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy nếu trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc– Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất.
Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn.