Bí quyết giúp bạn vượt qua mùa cảm cúm và cảm lạnh dễ dàng
Mỗi năm lại có một đợt bùng phát cảm cúm và cảm lạnh, mang đến những cơn ho, đau nhức, sốt, sổ mũi và gây nên không ít khó chịu.
Cảm lạnh thông thường bắt nguồn từ khoảng 200 loại virus khác nhau trôi nổi xung quanh chúng ta. Loại phổ biến nhất mang tên Rhovovirus có khả năng phát triển mạnh mẽ khi xâm nhập vào cơ thể người. Thông thường, virus này không gây hại, trừ khi bạn hít phải chúng qua mũi và miệng. Một khi phát hiện dấu hiệu bất thường, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động để tiêu diệt Rhovovirus, từ đó dẫn đến một loạt các triệu chứng như hắt hơi, ho, đau nhức, sốt và sổ mũi .
Điểm giống nhau giữa hai vấn đề sức khỏe này là chúng đều có thể lây truyền trong không khí. Tuy nhiên, mặc dù cảm lạnh gây nên không ít khó chịu, vấn đề sức khỏe này lại không nguy hiểm bằng cúm. Virus cúm có thể dẫn đến các triệu chứng không chỉ giống cảm lạnh mà còn nghiêm trọng hơn như sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh và thậm chí là viêm phổi ở một số người. Nhiều trường hợp đã ghi nhận đây là nguyên nhân gây tử vong ở người già, người trẻ và những người sở hữu hệ miễn dịch kém. Hơn nữa, virus cúm cũng thay đổi hàng năm nên đòi hỏi mọi người cần tiêm vắc-xin thường xuyên.
Dưới đây là một số bí quyết đơn giản có thể giúp bạn vượt qua mùa cảm cúm và cảm lạnh dễ dàng:
Vệ sinh sạch sẽ
Virus có thể lan truyền qua không khí, bám vào mọi nơi và khi tiếp xúc với các vật dụng này, bạn có nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, việc làm đầu tiên để ngăn ngừa cúm và cảm lạnh là giữ vệ sinh sạch sẽ. Bạn không nhất thiết phải mua nước rửa chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn.
Heather Moday, chuyên gia y khoa kiêm nhà dị ứng và miễn dịch học tại Trung tâm Moday, Philadelphia khuyên, hãy dùng một ít giấm trắng và oxy già 3% xịt lên các vật dụng trong nhà như bàn ghế, bút hay khu vực virus dễ trú ngụ bào gồm cả góc tường. Sau một vài phút, bạn chỉ cần lau sạch lại bằng khăn là đã có thể loại bỏ những tác nhân gây bệnh trong nhà.
Ngoài ra, mọi người nên thường xuyên mang theo mình một chiếc khăn tẩm cồn khi đến nơi công cộng, phòng tập. Chất này vừa có hiệu quả loại bỏ virus vừa ít gây độc hại. Đồng thời, hãy rửa tay trước và sau bữa ăn, cố gắng không chạm vào mắt, miệng, mũi sau khi bắt tay và chơi với trẻ nhỏ.
Tránh tiếp xúc lâu với nơi dễ nhiễm bệnh
Như đã đề cập, virus có thể tồn tại khắp mọi nơi và bạn hoàn toàn có khả năng nhiễm bệnh dù không ra ngoài trời. Một số nơi, đặc biệt là khu vực công cộng là nơi tiềm ẩn rất nhiều tác nhân gây bệnh cảm cúm và cảm lạnh. Nhà trẻ, trường học, bệnh viện, công sở và thậm chí những quán ăn đều là môi trường virus ưa thích trú ngụ. Vì vậy, hãy hạn chế ở lâu trong những khu vực này và tránh cầm hay bắt tay nhất có thể.
Bảo vệ mũi và họng
Một trong những việc làm hiệu quả nhất chống lại virus là sử dụng nước rửa mũi và thuốc xịt mũi mỗi ngày. Virus luôn có xu hướng tấn công, trú ngụ ở mũi và họng đầu tiên. Làm sạch những khu vực này mỗi ngày vừa giúp tiêu diệt virus lại ngăn ngừa các chất gây dị ứng . Bạn cũng có thể súc miệng nước muối hàng ngày nhằm hạn chế vi khuẩn tấn công. Đồng thời, trước khi chợp mắt, mọi người nên làm ẩm không khí nếu nhiệt độ phòng quá ấm và khô.
|
Virus có thể tồn tại khắp mọi nơi và bạn hoàn toàn có khả năng nhiễm bệnh dù không ra ngoài trời. |
Tăng cường sức đề kháng
Dù cảm lạnh và cảm cúm là hiện tượng vô cùng phổ biến, một số người lại hiếm khi phải đối mặt với tình trạng này. Nguyên nhân có thể do họ có sức đề kháng cao, hệ miễn dịch hoạt động mạnh, từ đó ngăn ngừa các vi khuẩn virus bên ngoài tấn công.
Để đạt được điều này, trước hết bạn cần sở hữu một cơ thể khỏe mạnh. Kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc là việc làm vô cùng quan trọng. Khi nồng độ hormone gây căng thẳng cortisol tăng vọt, các tế bào có khả năng ngăn ngừa virus sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, từ đó khiến cơ thể dễ mắc bệnh. Hơn nữa, những thói quen không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc và ăn nhiều đồ dầu mỡ cũng gây hại cho sức khỏe, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng tấn công.
|
Tăng cường sức đề kháng sẽ giúp đẩy lùi cảm cúm, cảm lạnh. |
Bổ sung dưỡng chất
Nhiều chất dinh dưỡng có tác động không nhỏ tới hệ miễn dịch, trong đó bao gồm vitamin C, vitamin D và kẽm. Cơ thể không có khả năng tự sản xuất vitamin C nên chúng ta cần hấp thụ từ bên ngoài, đặc biệt trong chế độ ăn mỗi ngày. Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Bạn có thể tìm thấy hợp chất này trong hàu, cua và hạt bí ngô.
Do cơ thể ít có khả năng hấp thụ vitamin D tự nhiên từ mặt trời trong những tháng mùa đông, bạn nên dùng thực phẩm bổ sung mỗi ngày.
Làm nóng
Một số nghiên cứu cho thấy, tắm xông hơi khoảng 2 lần mỗi tuần có thể giảm khả năng mắc bệnh cảm cúm và cảm lạnh. Nguyên nhân rất có thể là do nhiệt độ cao giúp ngăn ngừa tác nhân gây bệnh tấn công. Dù không đảm bảo hoàn toàn, thực hiện những phương pháp này sẽ giúp bạn giảm bớt nguy cơ mắc cúm và cảm lạnh trong tương lai.