Lịch sử các triều đại Trung Hoa từng ghi lại có một Hoàng đế Trung Quốc, vào đời nhà Minh, thậm chí cho tới tận ngày nay, các sử gia cũng không thể xác định ông qua đời vào thời điểm nào và chết như thế nào.
Minh Huệ Đế (1377-?), tự Doãn Văn, còn gọi là Kiến Văn Đế là vị hoàng đế thứ hai của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Minh Huệ Đế kế vị vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và cai trị nhà Minh từ năm 1398–1402.
Sau khi người chú thứ tư của Minh Huệ Đế là Yên vương Chu Đệ khởi binh. Sau 3 năm giao tranh, cuối cùng, Chu Đệ chiếm được Nam Kinh, nhưng số phận Minh Huệ Đế ra sao thì cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Cuộc biến loạn bắt nguồn từ chính sách triệt phiên
Huệ Đế là con trai thứ hai của Ý Văn thái tử Chu Tiêu (1355 – 1382) với Lã Phi, tức cháu nội của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Ông là người hiếu học, thông tuệ. Do cha và anh trai trưởng mất trước khi Minh Thái Tổ qua đời nên ông được lập làm người kế vị vào tháng 9 năm 1392.
Ảnh minh họa. |
Tháng 5 nhuận năm 1398, Minh Thái Tổ bệnh mất, Doãn Văn lên ngôi, lấy hiệu Minh Huệ Đế, đóng đô ở Nam Kinh. Huệ Đế sau đó thay đổi hàng loạt chính sách của ông nội như giảm bớt hình phạt nghiêm khắc, tha nhiều tù nhân và áp dụng chính sách triệt phiên nhằm tập trung quyền lực về trung ương.
Thời kỳ Minh Thái Tổ trị vì, để củng cố hoàng thất, ông đã phong cho con cháu làm phiên vương, nắm giữ binh quyền tại đất phong và đều có quân đội riêng để tự vệ. Do chính sách này, thế lực của các phiên vương rất lớn. Sau khi lên ngôi, Huệ Đế cho triệu các phiên vương về kinh để tiến hành bãi bỏ phiên vương.
Tháng 4 âm lịch năm 1399, Huệ Đế ép toàn bộ gia tộc Tương vương Bách phải tự thiêu chết, còn Tề vương Phù, Đại vương Quế bị giáng làm thứ nhân. Tháng 6 âm lịch giáng Mân vương Biền làm thứ nhân nhưng chưa động tới Yên vương Đệ - thế lực phiên vương mạnh nhất.
Tuy nhiên, điều này đã làm cho Yên vương Chu Đệ lo sợ cho số phận của mình từ đó ủ mưu làm phản. Vì một số người con (Chu Cao Sí, Chu Cao Hú, Chu Cao Toại) còn ở Nam Kinh (một dạng giam lỏng) nên ngoài mặt Yên vương vẫn tỏ ra một lòng quy thuận Huệ Đế, mặt khác chờ cơ hội phát binh.
Qua một thời gian, Huệ Đế cho rằng Chu Đệ đã hoàn toàn thần phục nên cho phép các con Chu Đệ rời Nam Kinh. Tháng 7 âm lịch 1399, tại Bắc Kinh, Chu Đệ khởi binh làm phản. Do Huệ Đế lạm sát công thần khiến triều đình không còn nhiều người tướng tài đối địch với Chu Đệ, một người dày dạn kinh nghiệm chiến trường nên cán cân chiến sự chênh lệch thấy rõ.
Tháng 4 năm 1402, quân triều đình thua to tại Hoài Bắc, quân của Chu Đệ thừa thắng vượt qua sông Hoài Hà tiến về Trường Giang. Trong chiến sự, vai trò của Chu Cao Hú – một người con của Yên vương được Huệ Đế thả về – có đóng góp khá nhiều.
Cái chết đầy bí ẩn liên quan đến việc thanh trừng hoàng tộc
Dưới thời Minh Thành Tổ, giai đoạn trị vì của Huệ Đế không bao giờ được nhắc đến. Mãi đến năm 1595, Minh Huệ Đế mới được công nhận trở lại là hoàng đế thứ hai của nhà Minh.
Suốt một thế kỷ sau đó, những câu chuyện về Minh Huệ Đế bắt đầu được lan truyền, rằng Huệ Đế là một vị minh quân nhân từ và chính trực, bị người chú Chu Đệ khởi binh lật đổ.
Minh Huệ Đế có thực sự chết cháy ở Nam Kinh năm 1402 hay không thì cho đến nay không ai dám chắc. Cuốn Minh Sử ghi chép theo sự giám sát của Chu Đệ nên dĩ nhiên chỉ nhắc đến chuyện có thi thể chết cháy trong cung. Tử Cấm Thành là nơi ở của hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc. Đến thời nhà Thanh, các học giả thời kỳ này để lại nhiều tài liệu, cuốn sách coi Minh Huệ Đế tự thiêu trong cung là quan niệm chính thống.
Những người không tin rằng hoàng đế nhà Minh tự thiêu thì đặt ra hàng loạt câu hỏi. Ở thời điểm đó, có lý do nào nói hoàng đế tự thiêu? Làm sao xác định thi thể trong đám cháy đó là Minh Huệ Đế? Rất có thể vì không xác định được danh tính Minh Huệ Đế nên Chu Đệ đã chọn bừa xác chết để lấy cớ lên ngôi.
Giả thuyết cho rằng Minh Huệ Đế đã trở thành nhà sư cũng được truyền bá rộng rãi. Có sách chép rằng, khi kinh thành Nam Kinh bị công phá, Minh Huệ Đế đã giả thành hòa thượng bỏ trốn.
Minh Huệ Đế trở thành nhà sư rồi lưu lạc, mãi tới khi Chu Đệ chết mới trở về. Chuyện Minh Huệ Đế tới khi Chu Đệ chết mới trở về còn được ghi chép trong nhiều sách vở khác và đều thống nhất chi tiết sau khi chết, ông được chôn cất ở Bắc Kinh.
Có thể nói, được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân, chọn làm người kế vị nhưng Minh Huệ Đế tỏ ra còn quá non nớt.
Lên ngôi ở tuổi 21, Huệ Đế đã quá vội vàng thanh trừng hoàng tộc, lại không biết trọng dụng người tài, thể hiện quyền sinh sát quá mức. Đó là lý do hoàng đế thứ hai nhà Minh nhanh chóng thất bại chỉ sau 4 năm cầm quyền.
Cái chết bí ẩn của Minh Huệ Đế khép lại cuộc đời ngắn ngủi của một trong những hoàng đế từng được kỳ vọng nhiều nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.