>>> Mời quý độc giả xem video "Hậu trường Táo quân cưỡi cá chép về trời". Nguồn Youtube: |
Dù khá bận rộn với những kế hoạch cuối năm nhưng NSƯT Đức Hải rất vui vẻ tiết lộ những điều khán giả chưa từng biết về những người đã sáng tạo ra chương trình gắn liền với ký ức của đông đảo khán giả.
"Gặp nhau cuối tuần không mời tôi, mà tôi chính là một trong những người tạo ra chương trình đó"
Nghệ sĩ Đức Hải có thể được xem là một trong những diễn viên gắn bó với Gặp nhau cuối tuần từ những ngày đầu tiên, dù không tới tận số cuối cùng. Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh đến với những vai diễn hài trong chương trình, nam nghệ sĩ bất ngờ bật mí rằng không phải cơ duyên, mà chính anh cùng NSND Khải Hưng là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về một chương trình hài hước mang tên Gặp nhau cuối tuần.
Nghệ sĩ Đức Hải chính là một trong những người sáng tạo ra chương trình Gặp nhau cuối tuần được khán giả yêu mến. |
"Nói tới cơ duyên thì thực tình phải cho các độc giả biết rằng, không phải họ mời tôi mà tôi chính là một trong những sáng lập viên của chương trình này. Ngày đó anh Khải Hưng còn là Giám đốc VFC, và vào một buổi trưa nắng gắt, anh ấy đang ngủ thì tôi lên tận phòng gõ cửa khiến anh bật dậy. Sau đó tôi và anh Hưng trò chuyện với nhau, nghĩ rằng phải có một chương trình gì đó vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần để bà con vui, lên ý tưởng là chương trình bao nhiêu phút và có những gì trong đó.
Anh Hưng lúc đó thấy hay quá, anh hỏi tôi rằng bao giờ thì tôi có được kịch bản ban đầu cho anh. Tôi hẹn một tuần và đúng một tuần sau tôi mang kịch bản của số đầu tiên tới. Anh Hưng liền triệu tập 7 đạo diễn của hãng và anh em ra trường quay để dựng. Những số đầu tiên của Gặp nhau cuối tuần đều là kịch bản của tôi" - nghệ sĩ Đức Hải nói.
"Đến giờ tôi cũng không biết vì sao chương trình bị dừng sản xuất"
Nghệ sĩ Đức Hải gắn bó cùng Gặp nhau cuối tuần trong một thời gian không dài bởi anh bất ngờ Nam tiến vào năm 2000. Anh chia sẻ rằng sau đó anh có bay đi bay về để làm việc với hãng thêm khoảng 1-2 năm rồi không thể tiếp tục nữa bởi lý do khoảng cách địa lý. Năm 2006, ekip thực hiện chương trình tuyên bố ngừng sản xuất Gặp nhau cuối tuần khiến không ít khán giả cảm thấy hụt hẫng. Chính các nghệ sĩ của chương trình và NSND Khải Hưng trong Gala tạm biệt của Gặp nhau cuối tuần cũng đã không giấu được sự xúc động của mình.
"Lúc đó, dù không đồng hành cùng chương trình nữa nhưng tôi cũng vẫn thấy buồn và chới với lắm. Nói thật là chúng tôi đều không biết lý do tại sao chương trình bị dừng lại, đến tận bây giờ tôi vẫn không biết. Tôi có nghe phong thanh là khi đó những người trong ekip cảm thấy chạnh lòng khi không được công chúng động viên.
Hiện giờ nghệ sĩ Đức Hải là Trưởng khoa Đạo diễn ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và thường xuất hiện ở các gameshow với vị trí giám khảo. |
"Bạn biết mà, làm một chương trình dài hơi thì cũng như một bàn tay, có ngón dài và có ngón ngắn, có số hay thì cũng phải có số chưa được. Thế nhưng có những ý kiến đóng góp thế nào đấy mà khiến những người thực hiện thấy tự ái nên họ mới không làm nữa. Đấy là tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng thôi, chứ còn lúc đó tôi đã vào công tác trong Sài Gòn lâu rồi nên không biết tường minh ra sao" - nam diễn viên kể lại.
"Chia sẻ đời tư thì cũng tốt thôi nhưng khóc lóc ỉ ôi, khoe nhà khoe cửa thì tôi xem cũng thấy mệt"
Từng ngồi ghế giám khảo ở một số gameshow về sân khấu hài, nghệ sĩ Đức Hải cũng đã chia sẻ những quan điểm của mình về luồng ý kiến cho rằng gameshow đã hết thời và các chương trình talkshow đang lên ngôi, đi kèm với đó là những câu chuyện đời tư của nghệ sĩ được đưa lên truyền hình, lấy nước mắt của khán giả. Tuy nhiên anh khẳng định rằng việc chia sẻ đời tư trên truyền hình cũng cần phải đi kèm với sự định hướng tư tưởng cho khán giả.
Nghệ sĩ Đức Hải nói: "Cái này cũng giống như sự lựa chọn món ăn thôi bạn ạ, khi đã chán món này rồi thì phải ăn món khác. Còn chuyện nghệ sĩ kể chuyện đời tư, khóc lóc ỉ ôi trên truyền hình thì tôi cho rằng nó phụ thuộc vào format của chương trình. Tôi nghĩ nếu như nghệ sĩ chia sẻ về mình, về đường đời gập ghềnh để cho các bạn trẻ nhìn vào đó mà không va vấp, thì âu cũng là điều tốt thôi.
"Tuy nhiên, nếu không có định hướng rõ ràng thì những câu chuyện đó lại bị hiểu theo chiều hướng khác. Đôi khi cứ kể chuyện đời tư không thì khán giả người ta cũng chẳng thích và chẳng quan tâm đâu. Tôi nghĩ nếu chia sẻ câu chuyện cá nhân và có liên hệ tới những điều đang xảy ra trong xã hội, ví dụ như chuyện bão lụt, chuyện nhiều người còn nghèo đói... thì nó sẽ nhân văn và con người hơn. Còn nếu cứ khóc lóc nỉ non, khoe nhà khoe xe, khoe kim cương thì được cái gì. Mình nghe mình còn thấy bực bội, khán giả họ cũng chẳng ủng hộ đâu".
Quay trở lại câu chuyện gameshow về hài, nghệ sĩ Đức Hải được biết tới không chỉ là giám khảo của nhiều cuộc thi, mà còn là Trưởng khoa Đạo diễn của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, nơi đào tạo ra hầu hết các nghệ sĩ trẻ được mến mộ hiện nay. Về câu chuyện các nghệ sĩ trẻ thi nhau đi theo con đường diễn hài hoặc lao như "thiêu thân" vào gameshow hài, nghệ sĩ Đức Hải thừa nhận rằng đó là những cú thử sức rất liều lĩnh của các bạn trẻ.
Nghệ sĩ Đức Hải và 4 người con giống anh như đúc. |
"Nhưng đó là thực tế bạn ạ. Bởi không hề giống với những ngành nghề khác, nghề này họ chẳng bao giờ hỏi bạn bằng cấp của bạn ở đâu. Chẳng một hãng phim nào sẽ hỏi diễn viên về bằng cấp. Họ chỉ quan tâm là thực lực bạn ra sao và bạn có nổi tiếng hay không. Thế nên sinh viên mới ra trường, họ chưa có gì trong tay thì họ cần phải làm thế thì mới có được danh tiếng, coi như vốn liếng.
Tuy nhiên sự thật là kết quả cũng vô định lắm, họ có thể thành công hoặc thất bại. Nhưng khi có cơ hội thử thách bản thân thì các bạn cũng chẳng nên bỏ qua. Cái này tôi nghĩ mình không khuyên các bạn được, bởi vì đó là thực tế và cuộc sống xô đẩy. Tôi cũng nhìn thấy được rằng đi ra thi thố sớm như thế thì một là thành công và hai là thất bại và chẳng có gì. Nhưng nếu rơi vào trường hợp thành công thì các bạn lại sẽ có được danh tiếng, sự yêu thương của khán giả và tiền bạc" - anh chia sẻ.