Biển Aral từng là biển lớn thứ tư trên Trái đất, nhưng sau khi những con sông cung cấp nguồn nước cho nó bị Liên Xô chuyển hướng để tưới cho các cánh đồng bông, nước của nó đã rút đi và ngày nay nó không còn gì khác ngoài một vùng đất cát mặn nơi nhiệt độ thường xuyên lên tới 60 độ C và các dấu hiệu của sự sống khan hiếm đến không tồn tại. |
Tại vùng biển này có một hòn đảo mang tên Vozrozhdeniya, nghĩa là "tái sinh" trong tiếng Nga, nhưng lại là vùng đất hoang vu chết chóc bởi nó tràn ngập các hóa chất cực độc. |
Khó ai có thể tưởng tượng nơi từng là một làng chài nhộn nhịp lại có thể biến thành một trong những hòn đảo chết chóc nhất thế giới. Thủ phạm được quy cho một dự án nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí sinh học thời Liên Xô. |
Đảo Vozrozhdeniya liên quan đến hàng loạt tai họa từ những năm 1970. Năm 1971, một nhà khoa học trẻ ốm nặng khi trở về sau chuyến nghiên cứu trên tàu thám hiểm Lev Berg. Kỳ lạ là cô bị chẩn đoán nhiễm đậu mùa dù trước đó đã dùng vắc-xin phòng bệnh. Cuối cùng cô cũng hồi phục, nhưng 9 người khác bị lây bệnh và ba trong số đó không thể qua khỏi. |
Năm 1972, thi thể hai ngư dân mất tích được phát hiện trên con thuyền trôi dạt gần đảo. Người ta cho rằng họ bị nhiễm dịch hạch. Không lâu sau, người dân địa phương bắt đầu kéo lên hàng loạt mẻ lưới toàn cá chết. Tháng 5/1988, 50.000 linh dương Saiga ăn cỏ trên vùng thảo nguyên gần đó đồng loạt chết không rõ nguyên nhân. |
Những bức ảnh do CIA chụp trên không năm 1962 cho thấy hòn đảo có các doanh trại, trường bắn, thậm chí cả những khu nghiên cứu, trại động vật và khu thí nghiệm ngoài trời, dấu hiệu của một cơ sở thí nghiệm vũ khí sinh học nguy hiểm bậc nhất thế giới. |
Dự án vũ khí sinh học diễn ra hoàn toàn bí mật, căn cứ quân sự trên đảo không hề được đánh dấu trên bản đồ Liên Xô. Những người biết về dự án gọi đó là Aralsk-7. Đây là nơi thử nghiệm bệnh than, bệnh đậu mùa và thậm chí cả bệnh dịch hạch, cũng như các bệnh như bệnh sốt rét, bệnh brucellosis và bệnh sốt phát ban, tất cả đều thấm vào đất cát. |
Năm 1988, Liên Xô quyết định rằng chơi với bệnh than là một trò chơi nguy hiểm, vì vậy khoảng 100 đến 200 tấn bùn bệnh than đã được đổ vào những cái hố khổng lồ và bị lãng quên. Lo ngại rằng bệnh than có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố, Mỹ đã cử các chuyên gia đến Vozrozhdeniya để làm một số xét nghiệm. |
Khi tìm thấy dấu vết của bệnh than, Mỹ chi hàng triệu đô la cho hoạt động dọn dẹp. Hàng nghìn kg chất tẩy trắng dạng bột cực mạnh đã được các phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ sử dụng trong nhiều tháng và cuối cùng bào tử đã biến mất. |
Tuy nhiên, nửa thế kỷ tiến hành thí nghiệm ngoài trời đã khiến toàn bộ hòn đảo nhiễm bệnh chứ không chỉ riêng khu vực thí nghiệm. "Ở đó sẽ vẫn còn mầm bệnh than thôi", Les Baillie, chuyên gia quốc tế về bệnh than tại Đại học Cardiff, cho biết. |
Chưa kể các hố chôn động vật nhiễm bệnh, mỗi hố chứa hàng trăm xác chết, hoặc những ngôi mộ không dấu vết của nạn nhân. Nơi này vẫn còn rất nhiều mối đe dọa lớn nhỏ mà cần tránh xa bằng mọi giá. |
Rất may, Vozrozhdeniya không phải là nơi dễ tiếp cận trên thế giới. Muốn đến hòn đảo này, bạn cần có người hướng dẫn để không lạc vào vùng đất chết chóc. |
Mời các bạn xem video: Du lịch xanh ở hòn đảo nhựa của Ivory Coast. Nguồn: THĐT