Mặt nạ người chết ở Kemerovo
Ảnh: Siberian Times. |
Năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện 20 mặt nạ người chết làm từ thạch cao của người Tashtyk cổ đại. Những mặt nạ người chết này được tìm thấy bên trong một hầm mộ nổi tiếng ở Kemerovo, Nga.
Hầm mộ này chứa 30 bộ hài cốt thuộc về tộc người Tashtyk thống trị một phần rộng lớn Siberia từ thế kỷ 2 TCN đến thế kỷ 6 TCN. Sau khi hỏa táng người chết gần như hoàn toàn, người ta đặt những đoạn xương lớn còn lại vào trong hình nộm làm từ da hoặc vải. Sau đó, họ để lên trên hình nộm một chiếc mặt nạ thạch cao thể hiện khuôn mặt của người quá cố.
Các chuyên gia cũng tìm thấy một số bộ hài cốt trẻ em trong hầm mộ trên. Tuy nhiên, người Tashtyk không hỏa táng trẻ em dưới 5 tuổi và không chôn cất xác trẻ trong hầm mộ. Do vậy, giới chuyên gia không tìm thấy bất cứ chiếc mặt nạ nào dành cho trẻ em. Đây chính là nghi chức chôn cất người chết độc đáo của người Tashtyk sống cách đây hơn 1.500 năm.
7 xác ướp trong hầm mộ có niên đại 900 năm
Ảnh: Live Science. |
Vào năm 2013, các nhà khoa học Ba Lan khai quật một hầm mộ từ thời Trung cổ có niên đại 900 năm. Hầm mộ ở Old Dongola, một khu vực thuộc Sudan ngày nay có chứa 7 xác ướp và có những bức tường khắc bí ẩn.
7 xác ướp trên đều là nam giới và qua đời năm hơn 40 tuổi. Một trong 7 xác ướp được cho là thi hài Tổng giám mục Georgios. Ông là nhà lãnh đạo tôn giáo có thế lực nhất ở Makuria. Theo dòng chữ ghi trên bia mộ của vị Tổng giám mục được tìm thấy ở gần khu vực khai quật, Tổng giám mục Georgios qua đời năm 1113 TCN, ở tuổi 82.
Miệng của hầm mộ có thể được bịt kín bằng gạch đỏ và vữa xây sau khi người cuối cùng được đem đi chôn cất. Hầm mộ trên được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ thực hiện cuộc khai quật hầm mộ này vào năm 2009. Trong quá trình khai quật, các chuyên gia phát hiện những dòng chữ bên trên các bức tường được cho có thể là một hình thức để tránh tà ma hay ác quỷ theo quan niệm của người Trung cổ.
Quan tài vàng tí hon chứa mảnh xương sọ Đức Phật
Ảnh: Ancient Origins. |
Năm 2016, các chuyên gia khảo cổ tin rằng, họ đã tìm thấy mảnh xương sọ của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được táng trong một mô hình tháp an táng có niên đại 1.000 năm tuổi.
Tháp an táng này được làm từ vật liệu gỗ đàn hương, vàng và bạc, phủ đá quý làm từ thủy tinh, pha lê, mã não và lưu ly. Nó được đặt giữa hòm sắt trong chiếc rương đá ở hầm mộ dưới chân tháp Lưu Ly thuộc chùa Đại Báo Ân tại Nam Kinh, Trung Quốc. Những chữ khắc trên rương khẳng định mảnh xương sọ là một phần di cốt của Đức Phật và nó được xây cất dưới thời hoàng đế Chân Tông của nhà Bắc Tống (997-1022).
Theo một số tài liệu, khi Đức Phật nhập vào cõi niết bàn, cơ thể ngài được hỏa táng gần sông Hirannavati ở Ấn Độ. Hoàng đế Ấn Độ bấy giờ đã quyết định bảo quản di cốt của Đức Phật bằng cách chia thành tổng cộng 84.000 phần. Trung Quốc được giao lưu giữ 19 phần, bao gồm mảnh xương sọ của Đức Phật.
Video Peru: Phát hiện ngôi mộ cổ Hoàng gia 1.200 năm tuổi (nguồn: VTC14):