Ngày 18/5, nguồn tin từ TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xác nhận thông tin trên. Theo đó, văn bản được sửa là bản án dân sự phúc thẩm số 01/2018/HNGĐ-PT ngày 16/1/2018 về Tranh chấp chia tài sản sau ly hôn giữa ông Trần Nguyễn Phúc V. và Hoàng Thị Thu H. (cùng trú quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).
Điều bi hài là theo Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Đặng Kim Ngân, lý do sửa bản án là vì HĐXX đã “nghe nhầm” quan điểm của đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Cụ thể, HĐXX "nghe nhầm" nên đã ghi quan điểm đề nghị giải quyết của đại diện VKS là "...đề nghị tòa án buộc bà H. thanh toán cho ông V. 30% giá trị lô đất theo giá tại Chứng thư thẩm định giá số 81/CT-TĐG thực hiện ngày 8/5/2017".
Từ việc ghi sai này, tòa án đã tuyên "...tòa án buộc bà H. thanh toán cho ông V. 30% giá trị lô đất theo giá tại Chứng thư thẩm định giá số 81/CT-TĐG thực hiện ngày 8/5/2017". Đoạn tuyên này nằm ở dòng thứ 22, trang 6 của bản án.
Sau khi nhận được thông tin phản hồi từ VKS, cơ quan tòa án đã sửa lại "...buộc bà H. phải trả cho ông V. 30% trên số tiền mà bà thực nhận là 3.6 tỷ đồng thì mới đảm bảo tính công bằng của các đương sự, phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 133, Bộ luật Dân sự 2015".
Trước những điểm có phần khá bi hài của vụ việc, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu câu chuyện kỹ càng hơn. Và quả thật, xung quanh vụ án này vẫn còn quá nhiều điểm khiến nguyên đơn, bị đơn và cả tòa án lúng túng.
Tòa án sửa chữa bản án vì... "nghe nhầm" quan điểm của VKS. |
Theo đó, sau khi toà sửa bản án phúc thẩm vì "nghe nhầm", bị đơn là bà H. đã đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm. Đến ngày 8/5/2018, Vụ trưởng vụ Kiểm sát và Giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp – VKSND Tối cao Nguyễn Kim Sáu đã có văn bản xác nhận tiến hành xem xét đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của bà H..
Hồ sơ vụ án dân sự này được tóm tắt như sau, ngày 6/11/2012, bà H. và ông V. thỏa thuận chia tài sản sau ly hôn đối với lô đất 28.B2.14. Theo đó, bà H. được công nhận là chủ sử dụng lô đất nói trên và được quyền làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đổi lại bà phải trả cho ông V. 300 triệu đồng (2 ông bà này ước tính lô đất giá 1 tỷ đồng - PV). Thỏa thuận được xác lập bằng văn bản công chứng số 001274 tại phòng công chứng Quốc Thái, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng.
Năm 2014, tuy chưa trả tiền cho ông V. nhưng bà H. lại nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi xem xét hồ sơ, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Ngũ Hành Sơn đã trả hồ sơ do thiếu giấy xác nhận đã trả tiền cho ông V.. Bà này sau đó mang hồ sơ lên cấp thành phố và được sở TN&MT TP.Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CĐ962078 vào ngày 27/9/2016. Từ đây, phát sinh việc mua bán chuyển nhượng giữa bà H. và một số người khác về lô đất.
Điều đáng nói, trước thời điểm bà H. được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông V. đã khởi kiện và ngày 22/6/2016, TAND quận Ngũ Hành Sơn ra Quyết định đình chỉ vụ án do hòa giải không thành việc tranh chấp lô đất trên.
Sau khi biết tin bà H. được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông V. khởi kiện tiếp và yêu cầu chia lại tài sản đối với lô đất, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà H.. Tại bản án sơ thẩm số 18/2017/HNGĐ-ST, TAND TP.Đà Nẵng tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu tranh chấp chia tài sản của ông V., nhưng lại không chấp nhận yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà H.. Buộc bà H. thanh toán cho ông V. 300 triệu đồng theo thỏa thuận chia tài sản giữa bà H. và ông V. lập năm 2012 và lãi suất.
Cả 2 ông bà này sau đó đã kháng cáo. Vụ án sau đó được chuyển lên TAND cấp cao tại TP.Đà Nẵng và gây ra sự cố bi hài phải sửa chữa do “nghe nhầm” như đã nói ở trên.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia pháp lý tại TP.Đà Nẵng nhìn nhận, ông khá bất ngờ trước việc tòa án sửa chữa bản án vì lý do "nghe nhầm", bởi trong hoạt động của cơ quan tư pháp, tố tụng không có khái niệm "nghe nhầm".
Cũng theo vị chuyên gia, ở sự việc này, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho bà H. là trái quy định. Do bà H. chưa thực hiện đúng nghĩa vụ trả 300 triệu đồng thỏa thuận cho ông V. và trong quá khứ, văn phòng đăng ký đất đai Ngũ Hành Sơn cũng đã từng trả hồ sơ. Hơn nữa, do lô đất liên quan đến vụ án đang tranh chấp tại tòa nên các thủ tục công chứng, mua bán có liên quan đều được xem là trái luật. Việc tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đây là cần thiết tránh phát sinh những giao dịch chuyển nhượng trái pháp luật.