Làng phim Việt mới đây xôn xao khi khán giả phát hiện “Dạ cổ hoài lang” sử dụng ảnh bà Tống Mỹ Linh, vợ ông Tưởng Giới Thạch, được chỉnh sửa làm di ảnh nhân vật Út Trong trong phim.
Ảnh diễn viên Tú Vi lên bàn thờ trong phim “Quả tim máu”. Ảnh do nhà phát hành cung cấp. |
Kiêng kỵ
Nhiều người trong giới nhận định sai sót nêu trên là do đạo diễn và tổ thiết kế “ẩu”, xem thường các cảnh báo từ những trường hợp mắc lỗi tương tự cách đây không lâu. Tuy nhiên, nhà sản xuất phim “Dạ cổ hoài lang” giải thích: “Sự việc đáng tiếc này xảy ra do phong tục của người Việt kiêng cữ, không dùng ảnh người thật đưa lên bàn thờ nên mới có sai sót như vậy”. Thực tế, việc đưa ảnh người thật, đặc biệt là người đang sống, lên bàn thờ trong phim có khó khăn?
Chuyện diễn viên “chết” trong phim hay quay cảnh đưa ảnh lên bàn thờ, bia mộ không hiếm. Với văn hóa của người Á Đông “có kiêng có lành”, việc người còn sống mà bị đưa ảnh lên bàn thờ khói nhang nghi ngút thường khiến họ lo sợ điều không tốt sẽ xảy đến. Bản thân diễn viên có thể không lo lắng mấy nhưng người nhà, bạn bè của họ lại khác.
Theo người trong giới, đó là lý do vì sao một số diễn viên lại lo ngại chuyện dùng ảnh của mình lên bàn thờ. “Tôi chưa từng ở trường hợp đó nên không biết thế nào nhưng bản thân nghe qua cũng thấy sờ sợ. Tôi nghĩ rằng chẳng ai muốn nhìn ảnh mình nghi ngút khói nhang khi còn sống cả” - diễn viên Việt Trinh bày tỏ.
Đạo diễn Xuân Phước cho biết: “Ngày trước, đúng là có khó khăn trong việc dùng ảnh diễn viên đưa lên bàn thờ vì nhiều người còn mê tín, kiêng cữ nhưng bây giờ, việc đó đã dễ dàng. Khi đề nghị thì đa phần diễn viên sẵn sàng cung cấp hoặc chụp ảnh để thiết kế xử lý. Họ hiểu công việc của mình và xem đấy chỉ là một vai diễn, không ảnh hưởng gì”.
Theo đạo diễn Nguyễn Thành Vinh, cũng có diễn viên ngại xui rủi nên gây khó trong chuyện đưa ảnh mình lên bàn thờ nhưng đa phần đều hiểu tính chất nghề nghiệp. Họ chấp nhận và nếu có lo ngại, sợ ám ảnh thì phía thiết kế sẵn sàng chỉnh sửa vài nét trên ảnh cho khác đời thật một chút. Đạo diễn Võ Việt Hùng cho biết một số diễn viên còn mê tín, tỏ ra khó chịu khi biết mình... lên bàn thờ nhưng đa phần đều đồng ý, không đến mức phản bác.
Bí quá hay làm ẩu?
Có hai trường hợp dùng ảnh đưa lên bàn thờ. Một là nhân vật đang sống bỗng chết phải làm đám tang, hình đưa lên quan tài và bàn thờ. Hai là bàn thờ người quá cố trong gia đình: ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng…
“Nếu trong phim, diễn viên đóng nhân vật nào đó đang sống rồi chết thì tất nhiên ảnh thờ phải là của diễn viên đó, không thoái thác được. Cái khó nhất là tìm ảnh thờ của nhân vật chỉ được nhắc thoáng qua trong phim hoặc hồi tưởng, không có diễn viên, phải sử dụng ảnh bên ngoài. Các tổ thiết kế thường dùng giải pháp lên mạng chọn ảnh theo yêu cầu đạo diễn rồi dùng công nghệ chỉnh sửa và sử dụng làm ảnh thờ, ảnh bia mộ...” - đạo diễn Nguyễn Thành Vinh tiết lộ.
Tìm một bức ảnh có sẵn trên mạng đáp ứng đúng yêu cầu của đạo diễn, chỉnh sửa lại để tạo ra bức hình người quá cố trong phim mà không tìm hiểu kỹ nguồn gốc là cách không riêng gì ê-kíp “Dạ cổ hoài lang” thực hiện. Trước đó, phim truyền hình “Thề không gục ngã” (đạo diễn: Nguyễn Minh Cao) cũng gặp lỗi tương tự khi dùng ảnh lúc nhỏ của ca sĩ Hàn Quốc Shim Chang Min làm ảnh thờ đứa trẻ người Hoa. Người hâm mộ Shim Chang Min phản ứng dữ dội, buộc nhà sản xuất và đạo diễn phải xin lỗi, cắt chỉnh lại phim.
Các sai sót lặp đi lặp lại cùng một kiểu trên nhiều phim Việt là điều đáng lo ngại bởi điện ảnh Việt đang hướng dần đến chuyên nghiệp, đòi hỏi sự chỉn chu từ nội dung đến hình thức. Việc sử dụng ảnh trên mạng rõ ràng là mạo hiểm vì phim truyền hình có thể không ai chú ý kỹ nhưng với phim điện ảnh, mọi thứ đều hiện rõ trên màn ảnh rộng, bất cẩn là gặp họa.
Cả phim “Dạ cổ hoài lang” và “Thề không gục ngã” dùng ảnh mà không cần xin phép, thiếu tôn trọng luật bản quyền cũng như ỷ lại vào công nghệ chỉnh sửa nhưng làm không đến nơi đến chốn. Dù tổ thiết kế có cái khó riêng nhưng sai sót này vẫn là lỗi từ họ cũng như đạo diễn - người chịu trách nhiệm chung cả bộ phim.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho rằng thiết kế quá ẩu và xem thường vấn đề bản quyền. Theo diễn viên Lê Bình, hiện nay là thế giới phẳng, không giống ngày xưa. Việc lấy ảnh bất cẩn trên mạng dù chỉnh sửa vẫn dễ bị phát hiện, tổ thiết kế đã quá thờ ơ, thiếu chuyên nghiệp. May là sự cố được phát hiện khi phim chiếu trong nước, chứ nếu mang sang nước khác mà để họ nhận ra sẽ còn ảnh hưởng lớn hơn.
Đạo diễn Võ Việt Hùng cho rằng giải pháp tốt nhất khi xử lý vấn đề ảnh thờ nhân vật hồi tưởng hoặc nhắc thoáng qua trong phim là dùng ảnh ông bà, người thân đã qua đời của thành viên đoàn phim, cũng có thể nhờ lấy ảnh người thân diễn viên nếu quá khó. Việc xin phép và được chấp thuận là điều cần thiết để tránh mọi rắc rối đáng tiếc ảnh hưởng đến tác phẩm.
Phạm luật rõ ràng
Họa sĩ thiết kế kỳ cựu Mã Phi Hải cho biết mọi hình ảnh sử dụng làm đạo cụ trong phim đều phải được cho phép, đó là luật. Trường hợp phim “Dạ cổ hoài lang”, tổ thiết kế đã vi phạm luật vì đâu phải muốn lấy ảnh ai trên mạng rồi chỉnh sửa làm di ảnh trên bàn thờ cũng được. Nếu không xin phép được, đoàn phim phải chi tiền mua. Luật chung ai cũng rõ và càng sai hơn khi lỗi đã được báo trước vẫn phạm.
“Khi làm phim “Em là bà nội của anh”, một số cảnh sử dụng lại hình ảnh cố nghệ sĩ Thanh Nga, chúng tôi phải đến tận nhà xin phép gia đình nghệ sĩ này dù bà qua đời đã lâu. Được họ chấp thuận, chúng tôi mới bắt tay làm” - Phi Hải dẫn chứng.