Trao đổi với Tiền Phong về việc bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, luật sư Dương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho bị cáo Lương Hữu Phước) nói rằng, trong vài trò của luật sư, ông đã làm tất cả những gì có thể để bào chữa cho thân chủ nhưng bất thành.
"Tòa phúc thẩm lần 1 đã hủy bản án sơ thẩm, chỉ ra các vấn đề cần làm rõ. Thế nhưng, phiên tòa phúc thẩm lần 2 dù chưa làm sáng tỏ các điểm mà tòa phúc thẩm lần 1 nêu, nhưng vẫn tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù đối với bị cáo.
Tôi và thân chủ Lương Hữu Phước luôn động viên nhau. Chúng tôi cũng thống nhất sẽ tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm. Ông Phước đã đồng ý cùng tôi đến tòa án cấp cao sau khi nghe tòa phúc thẩm tuyên y án. Thế nhưng, buổi sáng nhận án thì chiều hôm ấy, ông Phước trở lại trụ sở tòa án nhảy lầu. Một vụ tai nạn ngoài ý muốn nhưng cả ông Phước và bạn thân (tức ông Quý-nạn nhân vụ tai nạn giao thông) đều đã chết”, luật sư Tuyến tâm sự.
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến. |
Chia sẻ với Tiền Phong, bà Lê Thị Tư (vợ bị cáo Phước) cho biết: "Hôm xảy ra vụ việc, chồng tôi không có biểu hiện bất thường. Ông ấy chỉ nói rằng, tòa xử không đúng người đúng tội. Chiều hôm ấy, ông bảo lên tòa án nhận quyết định nhưng sau đó, tôi nhận tin báo chồng tôi đã nhảy lầu. Tôi không nghĩ ông ấy ra đi một cách đau đớn như thế.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Liên (vợ ông Trần Hữu Quý - người tử vong trong vụ tai nạn) nói rằng, chồng bà và bị cáo Phước là bạn thân từ rất lâu: "Hiểu rằng tai nạn là điều không ai muốn... Ông Phước cũng rất đau buồn trước cái chết của chồng tôi. Gia đình tôi không khiếu kiện, yêu cầu đền bù bởi đó là tai nạn ngoài mong muốn, hơn nữa ông Phước và tôi chồng là bạn thân”.
Vụ tai nạn 2 mạng người và góc khuất chưa lời đáp
Theo nội dung vụ án, ngày 15/1/2017 ông Lương Hữu Phước điều khiển xe máy chở ông Trần Hữu Quý về nhà ở đường Nguyễn Huệ thuộc KP Suối Đá, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Khi ông Phước rẽ trái sang đường thì bị xe máy do ông Lâm Tươi điều khiển chở theo ông Trị Tiếp lưu thông cùng chiều bên phải theo hướng đường ĐT 741 đi đến đường ĐT 753 đụng vào, gây tai nạn giao thông.
Vụ tai nạn làm ông Quý và ông Phước bị thương được đưa đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, đến ngày 17/1/2017 ông Quý tử vong.
Ông Phước bị khởi tố nhưng cho tại ngoại. Sau 3 lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, sáng 29/5/2020 TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử phúc thẩm và tuyên y án sơ 3 năm tù. Chiều cùng ngày, bị cáo Phước đến TAND tỉnh Bình Phước, sau đó đi lên lầu 2, nhảy xuống đất và tử vong tại chỗ.
Vợ bị cáo Phước chia sẻ về chồng. |
Theo luật sư Tuyến, ngày xảy ra tai nạn là ngày 15/1/2017 (nhằm ngày chủ nhật). Sau tai nạn, ông Phước và ông Quý đều bị thương, không có ai chết tại chỗ. Do đó không có căn cứ để kết luận có dấu hiệu tội phạm xảy ra ngay khi khám nghiệm hiện trường. Thế nhưng, trong biên bản khám nghiệm hiện trường lúc 15h10 ngày 15/1/2017 (bút lục số 20) lại có thành phần tham gia gồm: Bùi Danh Sơn - điều tra viên Công an TX Đồng Xoài, Nguyễn Viết Dũng – kiểm sát viên VKSND Đồng Xoài, Phan Xuân Kiền – công an phường Tân Xuân, Đỗ Xuân Tân – CSGT Công an Đồng Xoài.
Luật sư Tuyến cho rằng đây là dấu hiệu bất thường vì ngày 23/1/2017, Cơ quan CSĐT Công an TX Đồng Xoài mới ban hành văn bản số 26 phân công điều tra viên Bùi Danh Sơn tham gia giải quyết tin báo tội phạm (bút lục số 1) và cùng ngày phía VKSND TX Đồng Xoài mới ban hành văn bản phân công kiểm sát viên Nguyễn Viết Dũng (bút lục số 2).
Tòa án Bình Phước nơi xảy ra vụ việc. |
Ngoài ra, vụ tai nạn xảy ra do ông Lâm Tươi điều khiển xe máy tông vào tản nhiệt nòng đầu bên phải của xe ông Lương Hữu Phước. Cú tông mạnh khiến vành trước của xe Lâm Tươi biến dạng hình chữ V, đầu xe quay 180 độ so với hướng di chuyển.
"Lời khai của ông Lâm Tươi nói đã nhìn thấy xe ông Lương Hữu Phước dừng lại bên đường với khoảng cách 50m. Tuy nhiên, lại nói lý do tông vào là vì chạy đến gần 5m không kịp xử lý?", luật sư Tuyến đặt vấn đề.
Thẩm phán nói gì?
Tại buổi thông tin với báo chí vào ngày 30/5, bà Phạm Thị Bích Thủy – Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết đối với ông Lương Hữu Phước trong vụ án “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.
Tương tự, thẩm phán Lê Viết Hòa-người có mặt trong HĐXX phúc thẩm, khẳng định làm việc công tâm. "HĐXX phúc thẩm hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết y án 3 năm tù đối với ông Lương Hữu Phước", thẩm phán Hòa nói.
Ngoài việc có tên trong HĐXX phúc thẩm vụ án kể trên, thẩm phán Lê Viết Hòa còn có mặt trong HĐXX một phiên tòa phúc thẩm cách đây 5 năm liên quan đến tranh chấp đất đai. Ở vụ việc này, một người đàn ông cũng tự sát sau khi nhận bản án.
Theo tìm hiểu, vào ngày 21/7/2015, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm, buộc ông Võ Chánh trả lại 39,5m2 cho ông Lê Quang Dinh. Sau khi nhận bản án, ngày 26/7/2015, ông Chánh đến nhà ông Dinh dùng dao tự sát.
"Hai vụ án rơi vào hai thời điểm khác nhau nên không thể cho là có "vấn đề". Cả hai vụ án HĐXX đều công tâm. Là thành viên trong HĐXX, tôi phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ để tránh oan sai. Lôi sự trùng hợp ra để chỉ trích tôi là không đúng. Bất kể vụ án nào, phải có sự đồng nhất của cả hệ thống chứ cá nhân không quyết định được", thẩm phán Hòa nói về sự "trùng hợp".