Sau khi tìm thấy nhiều xác ướp niên đại hàng nghìn năm tại các di chỉ khảo cổ ở Ai Cập với nhiều đặc điểm kỳ lạ, các nhà khoa học đã phát hiện ra thuật ướp xác đặc biệt của người Ai Cập thời xưa.
Mới đây, nhóm chuyên gia do nhà khảo cổ Karin Sowada (Đại học Macquarie, Úc) dẫn đầu đã phát hiện ra một xác ướp bùn có niên đại 3.200 năm, vô cùng quý hiếm từ thời Ai Cập cổ. Xác ướp này được bọc một lớp vỏ bằng bùn cứng khiến nhiều người bất ngờ.
Các nhà khoa học chưa từng nghĩ, người Ai Cập cổ lại dùng bùn để bọc xác ướp, cũng chính từ đây, phong tục chôn cất và ướp xác của họ đã được đưa ra ánh sáng.
Theo Karin Sowada, bùn là một nguyên liệu thay thế có sẵn, dễ lấy hơn nhựa cây. Không chỉ được bọc bằng bùn cứng, xác ướp này còn ẩn chứa một câu chuyện kỳ lạ. Theo các nhà nghiên cứu, xác ướp có niên đại khoảng năm 1207 TCN. Thi thể sau khi chết đã bị hư hại, được đặt trong quan tài không đúng với quan tài ban đầu, tức là quan tài này 'trẻ' hơn so với thi thể được chôn bên trong.
Trên quan tài được khắc tên người phụ nữ Meruah và có niên đại khoảng 1000 năm TCN. Từ những manh mối có được, người phụ nữ đã chết trong độ tuổi từ 26-35. Sau khi chết, người phụ nữ được ướp xác và quấn vải. Sau đó, một phần hài cốt gồm cẳng chân và đầu gối trái đã bị hư hại, khiến ai đó phải chỉnh sửa lại xác ướp, bọc lại bằng bùn dẻo và chuyển sang quan tài mới.
Ngoài ra, một nhóm các nhà khảo cổ khác do chuyên gia nổi tiếng người Dominica Kathleen Martinez cũng mới phát hiện một xác ướp đặc biệt. Cụ thể, xác ướp này được phát hiện tại Đền Taposiris Magna (ngoài thành phố Alexandria) vàcó một chiếc lưỡi bằng vàng trong miệng.
Chiếc lưỡi vàng thể hiện sức mệnh bẩm báo với vị thần Osiris của thế giới ngầm (người phán xét người chết và cai trị thế giới bên kia) sau khi người này qua đời, các nhà khảo cổ cho biết.
Tại đây, nhóm của Kathleen Martinez còn phát hiện thêm 15 ngôi mộ cổ khác có niên đại khoảng 2.000 năm trước. Những ngôi mộ này được chôn cùng nhiều kho báu có giá trị như vòng cổ bằng vàng, tượng đá cẩm thạch, mặt nạ thạch cao...