Mặc dù cùng thời kỳ với trống đồng Ngọc Lũ nhưng trống đồng Hoàng Hạ lại có sự khác biệt trong các hoa văn, họa tiết. Đây là vấn đề thú vị tiêu tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu trong và ngoài nước.
Không kém trống đồng Ngọc Lũ
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn tỏ ra tự hào, vinh dự vì là nơi đang bảo quản những bảo vật quý giá. So với trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ cũng chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá giúp các nhà khoa học có được hình dung bao quát về cuộc sống người Việt cách đây 2.500 năm.
Xét về độ nguyên vẹn thì cũng không kém trống đồng Ngọc Lũ. Trống đồng Hoàng Hạ cùng với trống đồng Ngọc Lũ là hai hiện vật quý giá bởi so với hàng ngàn chiếc trống được phát hiện thì nó chứa đựng các thông tin dày đặc. Cũng giống như trống đồng Ngọc Lũ, nó như một "cuốn sách" mà trong đó ghi chép lại chi tiết cuộc sống của cư dân Việt cổ.
Theo nguồn sử liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì trống đồng Hoàng Hạ được người dân xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội) phát hiện từ tháng 3/1937 trong lúc đào mương nước. Đến ngày 27/3/1937, một người có tên V.Goloubew đã sưu tầm và đem về Viễn Đông Bắc Cổ lưu giữ. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận lại và tiếp tục công việc bảo quản hiện vật này.
Ngay sau khi phát hiện, chiếc trống đồng Hoàng Hạ được xếp vào loại H1 (tức là loại quý hiếm theo phân loại của nhà khoa học người Áo tên F. Héger năm 1902). Trống đồng Hoàng Hạ được xếp vào loại có kích thước lớn, gần giống với hình dạng của trống đồng Ngọc Lũ và còn rất nguyên vẹn.
Trống đồng Hoàng Hạ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Khác trống đồng Ngọc Lũ
TS Ngô Thế Phong, Hội Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: Về kích cỡ thì trống đồng Hoàng Hạ thuộc loại kích thước lớn, có đường kính mặt là 78,5cm, đường kính chân là 79,9cm, chiều cao là 61,5cm. Trọng lượng của trống là 78kg. Cấu trúc trống gồm các bộ phận: Mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống. Mặt trống đúc liền chờm ra khỏi tang trống. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi ra.
Trong khi đó, trống đồng Ngọc Lũ cũng được coi là chiếc trống có kích thước lớn, hình dáng cân đối và đặc biệt có hoa văn trang trí đẹp nhất trong số những trống Đông Sơn được biết. Trống có đường kính mặt 79,3cm, đường kính chân 8cm, cao 63cm. Trọng lượng 86kg.
Về mặt hoa văn. Chính giữa đúc nổi ngôi sao 16 cánh xen kẽ các họa tiết trang trí hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn gồm: Hoa văn hình học, hình khắc người, động vật và vật. Ngoài các hoa văn giống trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ còn có thêm hoa văn hình xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm.
Trong khi trống đồng Ngọc Lũ thì ở chính giữa trống lại có ngôi sao 14 cánh (ít hơn trống Hoàng Hạ 2 cánh). Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 16 vành hoa văn, chấm nhỏ, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, những hàng chữ S gãy khúc nối tiếp, hoa văn răng cưa, hình người hóa trang lông chim nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong...
Trên vành trống có 14 chim mỏ dài, đuôi và chân dài, có mào bay ngược chiều kim đồng hồ. Đặc biệt, ở vành 6 của trống có hình người mặc áo lông chim, trên đầu có mũ cắm hình đầu chim đang nhảy múa, tay cầm vũ khí hoặc nhạc khí, người giã gạo, nhà sàn mái cong, chim mỏ dài và chim mỏ ngắn đang bay.
Rìa mặt trống có 30 lỗ nhỏ cách đều nhau, là dấu vết những con kê trên khuôn đúc trống. Phần tang và thân trống giống với trống đồng Ngọc Lũ. Tuy nhiên, phần Chân trống lại khác so với trống đồng Ngọc Lũ là để trơn, không trang trí hoa văn.
Trống đồng Hoàng Hạ có nhiều điểm khác biệt so với trống đồng Ngọc Lũ. |
Đặc biệt hơn, theo TS Ngô Thế Phong thì trên trống đồng Hoàng Hạ có vành hoa văn hươu đang đi cùng chim mỏ ngắn. Đây là điểm đặc biệt mà các trống đồng khác, kể cả trống Ngọc Lũ không có. Ngoài ra, trên thân trống Hoàng hạ còn có dấu vết các con kê. Điều này giúp các nhà khoa học hình dung cụ thể hơn về kỹ thuật đúc trống đồng cách đây hàng ngàn năm.
Lý giải về những khác nhau trong trang trí hoa văn (hình mặt trời 14 cánh và 16 cánh, chân trống được trang trí và không trang trí hoa văn). TS Nguyễn Văn Đoàn cho rằng: "Đây có lẽ là sự khác biệt về kỹ thuật đúc trống đồng, là sự khác nhau trong quá trình tạo khung. Nếu đem những chiếc trống này so với các loại trống khác sẽ thấy được sự khác nhau về kích cỡ, hoa văn... điều này đưa đến giả thiết về kỹ thuật làm khuôn đúc mỗi nơi một khác. Tuy vậy, dù là kỹ thuật đúc thế nào đi nữa thì giá trị, ý nghĩa thông tin mà hai chiếc trống đồng này để lại vẫn hết sức quan trọng và quý giá".
"Chúng ta đã từng phát hiện được 6 chiếc trống đồng nếu xét về độ nguyên vẹn, hoa văn trang trí... đẹp như nhau gồm có trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Khai Hóa, Sông Đà và Minh Tân. Nhưng hiện chỉ có 3 chiếc ở trong nước là trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa. Chiếc trống Khai Hóa và Sông Đà hiện đang ở nước ngoài, còn trống Minh Tân thì bị vỡ".
TS Ngỗ Thế Phong (Hội Nghiên cứu Đông Nam Á)